George Soros: Nga không hẳn có lợi thế đàm phán trước châu Âu
Theo nhà đầu tư tỷ phú George Soros, vị thế đàm phán của Tổng thống Nga Vladimir Putin “không mạnh như ông ta đang giả vờ” và châu Âu hiện có đòn bẩy chống lại ông ta.
Trong một bức thư gửi cho Thủ tướng Italy Mario Draghi, Soros nói rằng Putin “rõ ràng là đang tống tiền châu Âu” bằng cách đe dọa – hoặc thực sự – giữ lại nguồn cung cấp khí đốt. Bức thư có đoạn: “Đó là những gì ông ta đã làm trong năm ngoái. Ông ta đã ra lệnh chuyển khí đốt vào kho chứa thay vì cung cấp khí đốt cho châu Âu. Điều này tạo ra sự thiếu hụt, tăng giá và giúp ông có nguồn thu nhập lớn, nhưng vị thế đàm phán của ông ta không mạnh mẽ như ông ta đang giả vờ”.
Các quan chức Nga không đưa ra bình luận ngay lập tức khi được CNBC liên hệ hôm thứ Tư.
Nga gần đây đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Phần Lan với lý do nước này không thanh toán bằng đồng rúp. Động thái này diễn ra sau khi Helsinki tuyên bố ý định gia nhập NATO – liên minh quốc phòng mà ông Putin phản đối.
Bulgaria và Ba Lan cũng đã ngừng nhận cung cấp khí đốt của Nga cách đây vài tuần. Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Moscow tuyên bố rằng các quốc gia “không thân thiện” sẽ phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp – một chính sách cho phép Điện Kremlin hỗ trợ tiền tệ của mình.
Tuy nhiên, thông điệp từ Soros là các nước châu Âu hiện cũng đang có đòn bẩy chống lại Putin.
EU, bao gồm 27 quốc gia, nhận được khoảng 40% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga, khiến khối này khó có thể ngừng mua nó trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, theo Soros, EU cũng là một thị trường rất quan trọng đối với Điện Kremlin và Putin cần nguồn thu từ khí đốt để hỗ trợ nền kinh tế của mình.
Soros cho biết: “Ước tính rằng dung lượng lưu trữ khí đốt của Nga sẽ đầy vào tháng 7. Châu Âu là thị trường duy nhất của ông ta. Nếu ông không cung cấp cho châu Âu, ông sẽ phải đóng cửa các giếng ở Siberia, nơi mà Nga khai thác khí đốt. Hiện có khoảng 12.000 giếng như vậy. Nga cần thời gian để ngừng hoạt động chúng và một khi đã ngừng hoạt động, chúng rất khó mở lại do thiết bị đã quá cũ”.
Ông nói thêm rằng châu Âu cần phải thực hiện “các bước chuẩn bị khẩn cấp” trước khi sử dụng sức mạnh đàm phán của mình.
Trong khi đó, các nước châu Âu đang vật lộn để tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho khí đốt của Nga kể từ khi xâm lược Ukraine. Ví dụ, EU và Mỹ đã ký một thỏa thuận vào tháng 3 để đảm bảo khu vực sẽ nhận được thêm ít nhất 15 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm nay.
Điều này, cùng với việc cắt giảm nguồn cung gần đây cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan – cùng với các lệnh trừng phạt quốc tế – có nghĩa là Nga chắc chắn đã bán ít khí đốt hơn cho châu Âu.
Trúc Anh