Gạo Việt xuất sang Trung Quốc buộc phải “hồi hương”

5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn, giá trị đạt khoảng 1,18 tỷ USD; giảm 6,3% về lượng và 20,4 về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Sở dĩ có sự sụt giảm này là do các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu; đặc biệt nhiều lô gạo của các doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị trả về….

Theo đại diện Bộ Công Thương, năm 2019 hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam của Trung Quốc vẫn như mọi năm là 5,320 triệu tấn cho cả gạo hạt ngắn và dài với thuế suất chưa thay đổi so với năm 2018. Tuy nhiên những tháng đầu năm, sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta vào thị trường đông dân nhất thế giới này liên tục sụt giảm mạnh; một phần do nhu cầu đối với gạo Việt Nam giảm, một phần do những đổi thay trong chính sách kiểm tra, thông quan của Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà xuất khẩu. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều lô gạo Việt chưa vào đến thị trường Trung Quốc đã buộc phải “hồi hương” với lý do chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo. Nhiều công ty Trung Quốc ngừng nhập khẩu gạo Việt vì khó thông quan khiến kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta vào thị trường chủ lực này ngày càng giảm mạnh.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cuối năm 2018 do chất lượng gạo không đáp ứng được các tiêu chuẩn nhập của Trung Quốc nên Việt Nam đã có 2 lô gạo bị trả về tại Cảng Hoàng Phố và 2 lô không được thông quan tại cảng Thẩm Quyến. Tình hình từ đầu năm 2019 đến nay cũng không mấy sáng sủa khi hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc đều hạn chế nhập khẩu gạo Việt; chỉ một vài công ty nhập khẩu với số lượng tương đối nhỏ để thăm dò tình hình.

Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm – Phó Chủ tịch VFA, do Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu sang hướng xuất khẩu để giải phóng lượng gạo tồn kho trong nước dẫn đến việc giảm nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường chính gắn với kiểm soát chặt chẽ chất lượng gạo nhập khẩu. “Tình trạng này không chỉ diễn ra đối với gạo Việt Nam mà còn với rất nhiều quốc gia khác. Để không rơi vào thế bị động khi giá gạo thế giới thay đổi đột biến, doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, đặc biệt trong vụ Hè – Thu sắp tới để đề phòng tình trạng khan hiếm sẽ đẩy giá gạo lên cao” – bà Tâm khuyến nghị.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, để tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trong nước cần năng động, linh hoạt trong việc tìm kiếm những thị trường mới, tiềm năng để thay thế những thị trường giảm nhập khẩu, trước mắt là thị trường Trung Quốc. Đồng thời quan tâm thay đổi cơ cấu gạo xuất khẩu để thích nghi với các thị trường mới, đáp ứng hiệu quả mọi nhu cầu tiêu thụ tại đây. Tất cả những nỗ lực này đều nhằm hướng đến mục tiêu sau cùng là hỗ trợ tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho bà con nông dân với mức giá ổn định và hợp lý; qua đó góp phần đảm bảo lợi ích cho bà con.

Trân Nguyễn