G7 cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga để chấm dứt cuộc chiến Ukraine

Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đã khiến nước này bị cô lập hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ sau cuộc Cách mạng Bolshevik năm 1917, khi các đồng minh trong Thế chiến I đặt Nga vào thế bị phong tỏa.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Hiroshima của Nhật Bản từ thứ Sáu, G7 sẽ siết chặt trừng phạt hơn nữa khi họ cố gắng buộc Moscow chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt hiện tại đối với Nga là một trong những biện pháp khắc nghiệt nhất từng được áp đặt đối với một nền kinh tế lớn, nhưng G7 có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng áp lực đáng kể – dù những quan điểm chia rẽ về các lĩnh vực then chốt như năng lượng đang đe dọa làm suy yếu các nỗ lực buộc Moscow phải “khuất phục”.

Lukasz Rachel, thành viên của Nhóm công tác quốc tế về các biện pháp trừng phạt Nga tại Đại học Stanford, nói với Al Jazeera: “Hiện chắc chắn có nhiều không gian để G7 áp đặt thêm các hạn chế và thắt chặt những trừng phạt hiện có. Các lĩnh vực quan trọng nhất bao gồm dầu mỏ và năng lượng, các biện pháp trừng phạt thương mại phi năng lượng và khắc phục các lỗ hổng trong lĩnh vực này, cũng như các biện pháp trừng phạt công nghệ”.

Trọng tâm chính của các thành viên G7 – Mỹ, Canada, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Ý – là tăng cường thực thi các lệnh trừng phạt hiện có, bao gồm cả việc kiểm soát việc trốn tránh lệnh trừng phạt liên quan đến các nước thứ ba.

Vào thứ Bảy, các bộ trưởng tài chính G7 và thống đốc ngân hàng trung ương đã cam kết trong một tuyên bố chung nhằm chống lại “bất kỳ nỗ lực nào nhằm trốn tránh và làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của chúng tôi”.

EU, vốn tham gia các sự kiện của nhóm G7 với tư cách là thành viên “không được liệt kê”, đang xem xét các hình phạt đối với các công ty đang giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt. Điều này sẽ đưa EU đến gần hơn với chế độ trừng phạt của Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Tài chính được công bố hôm thứ Ba, Josep Borrell, cao ủy đối ngoại của EU, cho biết khối này nên trấn áp việc nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Ấn Độ sử dụng dầu của Nga.

Bất chấp những dự đoán về tác động kinh tế, nền kinh tế Nga vẫn duy trì tốt hơn dự kiến trước chế độ trừng phạt do phương Tây lãnh đạo, chỉ giảm 2,1% vào năm 2022.

Mặc dù thương mại của Nga với các nước G7 đã giảm mạnh, nhưng Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã bù đắp phần lớn sự sụt giảm thông qua việc tăng nhập khẩu than, dầu và khí đốt của Nga.

Một số nghiên cứu cũng cho rằng các công ty vận tải phương Tây đang có liên quan đến việc vi phạm lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga.

Trong một nghiên cứu do Trường Kinh tế Kiev công bố vào tháng trước, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 96% các chuyến hàng dầu từ cảng Kozmino của Nga trong quý đầu tiên của năm 2023 đã được bán trên mức trần giá dầu 60 đô la do G7 đặt ra vào năm ngoái.

Agathe Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu của Economist Intelligence Unit, nói với Al Jazeera: “Liên quan đến các lệnh trừng phạt, hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ bàn về việc thực hiện, thực hiện và thực hiện. Điều này diễn ra sau một loạt các báo cáo trên phương tiện truyền thông nêu bật hành vi trốn tránh lệnh trừng phạt từ các nước thứ ba, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Kazakhstan và UAE. Thay vì hạ trần giá dầu, G7 sẽ tập trung vào việc thắt chặt việc thực thi hiệu quả biện pháp này”.

Kristy Ironside, một nhà sử học về nước Nga hiện đại và Liên Xô tại Đại học McGill ở Canada, cho rằng hiệu quả của các biện pháp trừng phạt trong quá khứ là “khá bi quan”. Ông nói “Tôi có xu hướng nhìn chúng khá hoài nghi: chúng là một nỗ lực để ‘làm điều gì đó’ khi các lựa chọn trực tiếp bị hạn chế, tức là khi bạn không muốn triển quân”.

Quốc Nam