EVFTA là đòn bẩy thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang Bắc Âu
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 vừa qua đã từng bước xóa bỏ các rào cản về thuế quan, mở rộng cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhanh chóng và hiệu quả vào thị trường EU nói chung và Bắc Âu nói riêng.
Bắc Âu được đánh giá là khu vực tiềm năng hàng đầu cho xuất khẩu nước ta vào EU. Ngoài ra, trong các nước ASEAN, hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất tại khu vực này với kim ngạch thương mại 2 chiều tăng đều, thậm chí tăng cả trong thời gian dịch bệnh, bất chấp khó khăn và sự suy giảm tại các thị trường khác.
Minh chứng, ngay trong tháng 1/2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Bắc Âu đã tăng tới 99,94% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 1/2021, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Điển – một trong những đối tác tiềm năng của Việt Nam tại Bắc Âu đạt khoảng 160,89 triệu USD. Cụ thể, xuất khẩu của nước ta sang Thụy Điển đạt khoảng 132 triệu USD, tăng 99,94% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 28,89 triệu USD, tăng 11,98% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, hiện quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Bắc Âu chiếm tỷ lệ khá nhỏ, chỉ khoảng 2,5 tỷ USD, do đó tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào thị trường này là rất lớn.
Đáng chú ý, đánh giá về tiềm năng xuất khẩu của các mặt hàng Việt Nam sang thị trường Bắc Âu, các chuyên gia cho rằng, quan hệ thương mại giữa hai bên có tính bổ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp, nhất là với các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới và nông sản chế biến mà thị trường EU nói chung và Thụy Điển nói riêng có nhu cầu cao.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, với thế mạnh trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, công nghệ cao…các nước Bắc Âu xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng chủ lực như máy móc, phụ tùng cho ngành công nghiệp, viễn thông…Các nước Bắc Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam sản phẩm nông nghiệp, giày dép, dệt may, đồ gỗ, nhất là gạo Việt Nam.
Thực tế cho thấy, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng hiệu quả lợi thế ưu đãi thuế quan để xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang EU và Thụy Điển. Đơn cử, với EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong thời hạn 5 năm. Nhờ đó, từ chỗ vắng bóng trên thị trường Thụy Điển, gạo Việt Nam đã xuất hiện và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường này với kim ngạch xuất khẩu tăng gần 10 lần, từ mức khoảng 100 nghìn USD các năm trước đây lên hơn 1 triệu USD.
Dự báo, khi dịch bệnh được kiểm soát, các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng và kinh tế có bước hồi phục, giao thương trở lại bình thường sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường này. Hơn nữa với những đòn bẩy từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang EU cũng như Bắc Âu sẽ tăng mạnh trong tương lai.
Còn hiện tại, khi các nước EU vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mọi hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, giao thương bị xáo trộn, đứt gãy, thì việc nhanh chóng thích nghi với điều kiện bình thường mới, sử dụng công nghệ thông tin để kết nối các doanh nghiệp trong nước với thị trường tiềm năng này có ý nghĩa rất quan trọng. Có thể khẳng định, giao thương trực tuyến không chỉ là giải pháp xúc tiến thương mại hiệu quả mà còn ít tốn kém tài chính đối với Ngân sách và doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu cho biết, năm 2021, Thương vụ sẽ triển khai nghiên cứu và áp dụng các hình thức xúc tiến thương mại online để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, trong đó việc đưa vào vận hành một trang web tiếng Anh là một trong những giải pháp để tạo thuận lợi cho loạt hoạt động này.
Ngày 8/3/2021, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Phan Đăng Đương đã bấm nút khai trương trang web tiếng Anh của Thương vụ. Trang web sẽ thông tin cho các doanh nghiệp khu vực Bắc Âu về môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam, những cơ hội do EVFTA mang lại. Đồng thời là nơi quảng bá hoàn toàn miễn phí cho doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam.
Đặc biệt, điểm nhấn của trang web này là quảng bá lợi ích của EVFTA cho các doanh nghiệp nhập khẩu – đối tượng rất quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam mà chưa nhận được nhiều quan tâm, phù hợp với chủ trương của chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước EU hỗ trợ doanh nghiệp khai thách tối đa những lợi ích do Hiệp định mang lại tại các thị trường của nhau.
Được biết, trước mắt, trang web tập trung quảng bá cho 6 ngành hàng là trái cây, thủy sản, gạo, cà phê, dệt may và da giày là những ngành hàng được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định EVFTA. Trong tương lai sẽ mở rộng sang các mặt hàng khác khi có cơ hội.
Về lâu dài, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển muốn phát triển trang web thành nơi giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam và khu vực Bắc Âu, không chỉ là thương mại, mà còn cả đầu tư, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp hai bên.
Thùy Linh