EVFTA: “Cứu cánh” trong phát triển kinh tế Việt Nam – EU
Nhằm tổng kết những thành quả đạt được cũng như những khó khăn, tồn đọng trong triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam (EVFTA), đề xuất các giải pháp nhằm tối đa hóa những lợi ích mà Hiệp định mang lại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Hội thảo trực tuyến: “Hành trình một năm Hiệp định EVFTA – Khởi đầu thuận lợi và những bước tiếp theo”
Gặt “quả ngọt”
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết kể từ khi có hiệu lực ngày 1/8/2020, EVFTA đã cho thấy những đóng góp quan trọng và vô cùng ý nghĩa trong phát triển kinh tế giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là sự tăng trưởng của Việt Nam; được minh chứng bởi mhững thay đổi trong quan hệ xuất nhập khẩu song phương.
Nếu như 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU sụt giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái thì trong 5 tháng còn lại của năm, dưới tác động của EVFTA, xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU đã tăng 3,8%. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là sự bứt phá của nhóm hàng nông sản.
Ở chiều ngược lại, lợi thế thuế quan từ EVFTA cũng tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nhập khẩu từ EU vào Việt Nam với các sản phẩm linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị…vốn là thế mạnh của EU và cũng là nguồn đầu vào quan trọng cho Việt Nam.
Nếu như năm 2020, nhập khẩu từ EU của Việt Nam chỉ tăng 4,3% thì 6 tháng đầu năm 2021, con số này đã tăng lên 19,8%. So sánh với năm đầu thực thi của các Hiệp định thương mại tự do khác, có thể thấy tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam cũng đạt được mức cao nhất. Cụ thể 5 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam đạt 14,8%, cao gấp 2 lần tỷ lệ sử dụng ATIGA, gấp 7 lần AIFTA, gấp 2 lần tỷ lệ tận dụng các thị trường mới của CPTPP trong năm đầu. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của nước ta tiếp tục tăng lên, đạt mức 29%.
Còn trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 6/2021, EU có 2.221 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,216 tỷ USD, tăng 142 dự án và tăng 449 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020. Thông qua EVFTA, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư có chất lượng và được học hỏi, hấp thụ khoa học và công nghệ tiên tiến từ EU, từ đó tạo ra những giá trị và lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư của hai bên.
Vượt thách thức, tối đa hóa lợi ích từ Hiệp định
Tuy nhiên theo ông Vũ Tiến Lộc, bên cạnh những thành công bước đầu đạt được, việc thực thi EVFTA tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới khó khăn hơn, thách thức hơn dưới áp lực chưa từng có của đại dịch Covid – 19.
Ở góc độ sản xuất, dịch bệnh khiến chuỗi sản xuất bị đứt gãy nghiêm trọng, từ việc thiếu nhân lực, thiếu nguyên liệu đầu vào cho đến ách tắc trong khâu vận chuyển liên tỉnh, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được điều kiện làm việc trong giãn cách… Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, bên cạnh rủi ro trong khâu sản xuất thì vấn đề tiêu thụ cũng hết sức nan giải khi đơn hàng không thể xuất theo kế hoạch, vận chuyển ách tắc, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics tăng phi mã…Hàng loạt khó khăn đổ ập khiến doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ mất khách hàng, khách hàng chuyển sang mua hàng từ các nước khác
Chủ tịch VCCI cho rằng để vượt qua mọi nguy cơ cả ở thời điểm hiện tại lẫn tương lai đòi hỏi rất nhiều giải pháp đồng bộ, từ đường lối, chính sách hỗ trợ, phát triển của Nhà nước cho đến chiến lược riêng của doanh nghiệp, từ đó tận dụng và khai thác hiệu quả hơn nữa các lợi thế từ EVFTA. “Đặt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do đại dịch Covid – 19, EVFTA có thể đóng góp và là 1 trợ lực ý nghĩa cho doanh nghiệp nỗ lực vượt qua dịch bệnh để tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới, nếu khai thác hiệu quả các khía cạnh thích hợp” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Còn theo các chuyên gia, để tiếp tục tận dụng lợi thế khi thực hiện EVFTA, việc xây dựng các giải pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19 cần ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng có đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây như: dệt may, da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản…Về lâu dài, cần tập trung thêm các ngành có tiềm năng phát triển trong tương lai như: năng lượng tái tạo, ô tô sử dụng năng lượng sạch và những sản phẩm khác Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn (đồ gỗ nội thất, dệt may, nông sản nguồn gốc thiên nhiên chế biến).
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết snhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội mà EVFTA mang lại, Bộ Công Thương luôn dành ưu tiên cho tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hàng năm Bộ đều dành trung bình 20% tổng kinh phí của Chương trình cho các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này.
Thời gian tới, Cục xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đổi mới cách thức triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng tăng cường các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp; đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với các nhóm đối tượng doanh nghiệp khác nhau; hỗ trợ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị từ khâu phát triển sản phẩm, xúc tiến đầu tư, xây dựng phát triển thương hiệu, phát triển thị trường xuất khẩu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cũng như kỹ năng xúc tiến phát triển thị trường, tận dụng các cơ hội FTA cho doanh nghiệp.
Thế Hưng