EVFTA – Cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam
Ngày 30/6/2019, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) và sẽ chính thức được ký kết tại Hà Nội, đưa Việt Nam trở thành nước ASEAN thứ 2 (sau Singapore) ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU.
Xoay quanh vai trò, tầm quan trọng của EVFTA cũng như những lợi ích Hiệp định này mang lại cho xuất khẩu của Việt Nam, nhất là xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, EVFTA yêu cầu mở cửa thị trường với gần như toàn bộ 100% biểu thuế sẽ được sẽ được cắt giảm thuế quan sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Ngay sau năm 2020, hơn 85% dòng thuế sẽ về 0 – chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Do vậy khi đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày, đồ gỗ…. Cùng các FTA khác, EVFTA sẽ cộng hưởng, tạo nên sự phát triển mang tính đột biến, tạo nền tảng để hướng tới phát triển, tiến bộ xã hội, giúp Việt Nam hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, thể chế. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Về mặt chiến lược, việc đàm phán, thực thi các Hiệp định EVFTA và IPA cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Tuy nhiên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đồng thời lưu ý trong thời gian tới, khi Việt Nam đạt đến trình độ phát triển kinh tế nhất định thì Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cũng sẽ không còn nữa. Do đó để khai thác và tận dụng tối đa lợi ích mà Hiệp định EVFTA mang lại, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất… Để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.
Về phía Bộ Công Thương, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội, Bộ sẽ triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch Chương trình hành động tổng thể để cung câp thông tin tuyền truyền phố biến đến toàn thể cộng đồng người dân, doanh nghiệp hiểu toàn diện về EVFTA, cả thuận lợi và thách thức. Từ kế hoạch hành động trên, tiếp tục, xây dựng kế hoạch tổ chức thực thi, nội lực hóa, xây dựng hoàn thiện văn bản quy phậm pháp luật cho phù hợp với cam kết hội nhập mà Việt Nam đã ký kết. “Với trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành, việc cam kết thực hiện không chỉ dừng lại ở trong pháp luật mà còn tiếp tục trong quá trình điều hành, quản trị kinh tế, các kế hoạch tổ chức tái cơ cấu các ngành kinh tế, nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, gắn chặt với cam kết hội nhập” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu EVFTA được thực thi, đến năm 2020 tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ đạt mức 20%, năm 2025 đạt mức 42,7% và năm 2030 đạt mức 44,37%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033). Ngoài ra tính cộng hưởng hiệu quả và tiếp cận các thị trường, hoàn thiện thể chế sẽ giúp Việt Nam thu hút công nghệ, vốn để tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của các ngành mũi nhọn. |
Song Song