EU và quyết tâm từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga

Áp lực chính trị đang gia tăng trong Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết thách thức khó khăn trong việc khắc phục lỗ hổng trong nỗ lực ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Trong vòng 1 năm kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hoạt động nhập khẩu dầu và than bằng đường biển từ Nga.
Họ đã cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt của Nga, mặc dù không áp đặt lệnh trừng phạt đối với nhiên liệu này. Nhưng đồng thời, các nước EU đã tăng cường mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, làm suy yếu cam kết của khối về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.
Do đó, EU đã gửi hàng tỷ đô la cho các công ty khí đốt Gazprom và Novatek của Nga để có thể sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, vì các công ty năng lượng, thông qua thuế doanh nghiệp, là một trong những nguồn đóng góp lớn nhất cho ngân sách của Nga.
Các nhà phân tích tại CapraView, một công ty dự báo khí đốt toàn cầu, ước tính gần một nửa lượng LNG mà Nga xuất khẩu trong 10 tháng đầu tiên sau khi nước này xâm lược Ukraine đã chảy sang châu Âu, mang lại doanh thu khoảng 14 tỷ đô la.
Phân tích của EU cho thấy nhập khẩu LNG của Nga đã tăng lên 22 tỷ mét khối (bcm) vào năm ngoái, tăng từ 16 bcm vào năm 2021. Khối lượng đó nhỏ hơn nhiều so với 155 tỷ mét khối khí qua đường ống mà EU từng nhận mỗi năm từ Moscow, mặc dù một số quốc gia đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể kể từ sau chiến tranh.
Phân tích của Kpler cho thấy Bỉ và Tây Ban Nha đã tăng gần gấp đôi lượng nhập khẩu LNG của Nga trong 12 tháng kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine.
Mong muốn giải quyết vấn đề đang gia tăng trong EU, nhưng hiện vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được vì rủi ro lạm phát giá năng lượng và vô tình thúc đẩy doanh thu năng lượng của Nga hơn nữa là rất lớn.
Cao ủy Năng lượng EU Kadri Simson tháng trước đã kêu gọi các quốc gia thành viên và các công ty EU ngừng mua LNG của Nga, gọi đó là “rủi ro về uy tín” khi tăng nhập khẩu LNG trong khi khối này nỗ lực cắt giảm doanh thu cho Nga.
Cũng trong tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera đã yêu cầu người mua Tây Ban Nha không ký các hợp đồng LNG mới của Nga. Nhưng bà nói rằng trừ phi có các biện pháp trừng phạt, các công ty EU ngừng mua LNG của Nga có thể bị buộc phải trả tiền phạt vì phá vỡ các hợp đồng hiện có của họ.
Do rào cản chính trị trong việc phê duyệt các biện pháp trừng phạt đòi hỏi sự nhất trí, một số người ở EU đang chuyển sang các lựa chọn khác.
Tuần trước, các quốc gia thành viên đã cùng nhau đề xuất rằng khối này tạo ra một lựa chọn pháp lý để cho phép các quốc gia ngăn chặn các công ty Nga đặt công suất cơ sở hạ tầng cần thiết để vận chuyển LNG đến châu Âu.
Đề xuất này, là một phần của luật bao gồm các quy định rộng hơn về thị trường khí đốt của EU, phải được đàm phán với Nghị viện châu Âu. Nghị viện muốn tiến xa hơn và đã đề xuất một lệnh cấm có hiệu lực đối với tất cả các hoạt động nhập khẩu khí đốt của Nga của EU.
Tuy nhiên, một số quan chức EU cho biết đề xuất của Nghị viện rất khó giành được sự ủng hộ chính trị từ các quốc gia thành viên, một phần vì các vấn đề pháp lý.
Klaus-Dieter Borchardt, Cố vấn năng lượng cấp cao tại công ty luật Baker McKenzie, cho biết luật của Tổ chức Thương mại Thế giới chỉ cho phép các quốc gia cấm một sản phẩm cụ thể khỏi thị trường của họ trong một số trường hợp hạn chế.
Ông nói về đề xuất của Nghị viện: “Cá nhân tôi nghi ngờ liệu một quy tắc như vậy có tương thích với các quy tắc không phân biệt đối xử này của WTO hay không”. Borchardt trước đây là một quan chức cấp cao trong bộ phận năng lượng của Ủy ban châu Âu.
Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan Rob Jetten nói với Reuters rằng có một khó khăn thực tế là một số quốc gia không thể đa dạng hóa nguồn cung cấp đủ nhanh để đối phó với việc ngừng sản xuất ngay lập tức.
Thành Nam