Được xoá nợ 66,9 triệu USD, Cảng quốc tế SP-PSA sẽ làm gì?

Công ty CP Cảng Sài Gòn vừa công bố thông tin sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 18/9 tới. Một trong những nội dung thảo luận chính tại đại hội xoay quanh khả năng Công ty TNHH Cảng quốc tế SP-PSA sẽ được ngân hàng xoá nợ 66,9 triệu USD, tương ứng 60,87% dư nợ gốc với điều kiện các cổ đông phải thanh toán 43 triệu USD nợ gốc trước tháng 10/2021

Là công ty liên doanh giữa 3 cổ đông gồm Cảng Sài Gòn (36%), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (15%), Công ty PSA Việt Nam (49%), Công ty TNHH Cảng quốc tế SP-PSA chính thức đi vào hoạt động năm 2009 với nhiệm vụ khai thác cảng SP-PSA – cảng container nước sâu đầu tiên ở khu vực Cái Mép – Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng chi phí đầu tư 240 triệu USD (vay dài hạn từ các ngân hàng nước ngoài 158 triệu USD, còn lại do các cổ đông góp vốn hoặc cho vay).

Đến năm 2014, cảng SP-PSA tiếp tục vay thêm PSA Việt Nam 14,4 triệu USD để thanh toán cho các ngân hàng đã cho vay trong đợt tái cấu trúc khoản vay lần thứ nhất. Như vậy lũy kế đến ngày 30/6/2021, dư nợ gốc vay ngân hàng của SP-PSA đã lên đến gần 110 triệu USD, lỗ luỹ kế khoảng 128 triệu USD.

Trên cơ sở dự báo kết quả hoạt động kinh doanh và dòng tiền trong những năm tiếp theo, nhiều khả năng cảng SP-PSA sẽ không thể thanh toán nợ gốc và lãi như đã cam kết với các ngân hàng cho vay trong đợt tái cấu trúc lần thứ nhất. Trước những khó khăn này, sau nhiều lần đàm phán, thương lượng, phía các ngân hàng đã đồng ý xoá 66,9 triệu USD nợ gốc (khoảng 1.520 tỷ đồng) cho SP-PSA với điều kiện các cổ đông phải thanh toán 43 triệu USD nợ gốc trước tháng 10/2021.

Dự kiến 3 cổ đông sẽ góp 50 triệu USD (PSA góp 24,5 triệu USD; Cảng Sài Gòn góp 18 triệu USD, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam góp 7,5 triệu USD) để mua lại khoản vay và thanh toán thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ nghiệp vụ mua lại khoản vay. Khoản nợ gốc vay được xóa bỏ sẽ được trình bày là thu nhập khác trên báo cáo tài chính của cảng SP-PSA. Phần thu nhập khác 66,9 triệu USD sau khi cấn trừ với số lỗ sau thuế còn hiệu lực tại ngày 31/12/2020 là 24,4 triệu USD, phần chênh lệch 42,5 triệu USD sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%.

Theo HĐQT Cảng Sài Gòn, việc góp vốn vào cảng SP-PSA sẽ giúp tất toán toàn bộ khoản vay dài hạn với ngân hàng, xóa được 66,9 triệu USD nợ gốc, mang lại hiệu quả về dài hạn cho cổ đông.  Ngoài ra việc tất toán nợ với ngân hàng cũng sẽ giúp SP-PSA tự do quyết định dòng tiền và kế hoạch hàng năm, chủ động nắm bắt cơ hội kinh doanh mà không bị hạn chế bởi các điều khoản ràng buộc như hiện tại.

Sau khi tất toán nợ với ngân hàng, SP-PSA sẽ dồn lực tái cơ cấu, tuyển thêm nhân sự, hiện đại hóa hệ thống máy móc trang thiết bị, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, năng động vươn ra tìm kiếm các khách hàng tiềm năng cũng như cơ hội khai thác hàng container, giảm tỷ trọng khai thác hàng rời. Dự kiến năm nay SP-PSA sẽ có lãi trước thuế 65 triệu USD, năm sau lỗ 1,4 triệu USD nhưng kết quả kinh doanh sẽ tăng dần sau đó và đến 2030 lãi 16,8 triệu USD.

Dòng tiền tạo ra từ hoạt động kinh doanh sắp tới sẽ được ưu tiên theo thứ tự: phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư mua sắm tài sản cổ định, thanh toán nợ gốc và lãi vay cho cổ đông PSA Việt Nam, thanh toán cổ tức cho các cổ đông. Kế hoạch đến cuối năm 2029, SP-PSA có thể thanh toán cổ tức cho công ty khoảng 9,9 triệu USD.

Quốc Anh