Dừng nhập khẩu than từ Australia, Trung Quốc lãnh “trái đắng”…
Căng thẳng thương mại giữa Australia và Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ sau khi Bắc Kinh ban bố lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Australia. Quyết định này đã đẩy giá than đá trong nước tăng vọt, hậu quả là một số thành phố lớn của Trung Quốc đã rơi vào tình trạng thiếu điện.
Tình trạng thiếu điện xuất hiện ở Trung Quốc ngay sau khi căng thẳng thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và Australia bị đẩy lên cao trào. Điều này càng củng cố thêm nhận định rằng tình trạng thiếu than và mất điện có liên quan tới lệnh cấm không chính thức mà Trung Quốc áp dụng với than nhập khẩu từ Australia.
Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Australia ngày càng căng thẳng hơn sau khi xứ sở Kangaroo công khai ủng hộ một cuộc điều tra quốc tế về cách Trung Quốc xử lý đại dịch Covid-19. Than đá chỉ là một trong số rất nhiều mặt hàng của Australia bị Trung Quốc cấm nhập khẩu như: thịt bò, lúa mạch, rượu vang, bông vải, tôm hùm, gỗ….
Là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng đồng thời là thị trường nhập khẩu than lớn nhất của Australia. Ngay cả khi đã dồn lực phát triển năng lượng tái tạo, than vẫn được xem là nguồn năng lượng thiết yếu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên sau quyết định cấm nhập khẩu than Australia, thị trường than nhiệt Trung Quốc đã rơi vào tình trạng hỗn loạn, giá than tăng vọt do thiếu hụt nguồn cung.
Báo cáo của Công ty nghiên cứu Wood Mackenzie cho thấy quy định hạn chế tiêu thụ điện ngoài giờ cao điểm đã bắt đầu được áp dụng tại các tỉnh Hồ Nam và Chiết Giang từ giữa tháng 12/2020. Thậm chí tại Trung tâm công nghệ của Thâm Quyến, cắt điện luân phiên còn kéo dài tới 1 tuần. Hiện tại vẫn chưa thể xác định được mức độ của các vụ mất điện ở Trung Quốc. Tuy nhiên chuyên gia kinh tế cấp cao Marcel Thieliant tại Công ty Nghiên cứu Capital Economics cho biết các vụ mất điện là minh chứng cho thấy Bắc Kinh đã sẵn sàng cho việc nâng cấp chiến dịch trừng phạt Australia.
Về phía các quan chức Trung Quốc lại cho rằng vấn đề hạn chế sử dụng điện là do nhu cầu đặc biệt cao và việc bảo trì định kỳ chứ hoàn toàn không liên quan đến căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Australia hay các lệnh hạn chế nhập khẩu than.
Hồi tháng 12/2020, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết lượng điện tiêu thụ tại đất nước này đã tăng hơn 11% so với năm ngoái. Cơ quan này đưa ra dự báo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi nhiệt độ tại nhiều thành phố hạ xuống mức thấp kỷ lục.
Để đối phó với tình trạng khủng hoảng than, một trong những biện pháp được Trung Quốc áp dụng là chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng thay thế cho than. Các chuyên gia kinh tế lưu ý điều này có thể dẫn đến sự thay đổi dòng chạy thương mại vì than – một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Australia đã trở thành nạn nhân mới nhất của cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên đòn trả đũa của Trung Quốc sẽ không mấy ảnh hưởng đến Australia vì quốc gia này sẽ sớm tìm thấy những thị trường tiềm năng khác cho sản phẩm của mình. “Dòng chảy thương mại sẽ thay đổi khi than của Australia “cập bến” những thị trường mới tiềm năng và khối lượng than cốc ngoài Australia chuyển tới Trung Quốc nhiều hơn” – Wood Mackenzie nhận định.
Tương tự sự thay đổi trong dòng chảy của than cũng sẽ khác. Số liệu thống kê cho thấy tổng lượng than Trung Quốc nhập khẩu từ Mông Cổ, Canada và Nga đã tăng vọt. Mới đây Bắc Kinh cũng đã ký thỏa thuận mua lượng than nhiệt trị giá 1,5 tỷ USD của Indonesia. Wood Mackenzie nhận định Trung Quốc vẫn trong cơn khủng hoảng than. Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ triển khai các biện pháp để giảm sự phụ thuộc vào than nhập khẩu trong những năm tới. Tuy nhiên vẫn cần rất nhiều thời gian để những nỗ lực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phát huy hiệu quả. Trước mắt các động thái từ Chính phủ Trung Quốc nhằm đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải carbon có thể khiến các công ty trong nước phải nỗ lực tiến lên phía trước nhằm tìm cách thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch.
Hùng Trần