ĐỪNG ĐỂ CON NGƯỜI TRỞ THÀNH NÔ LỆ CỦA ROBOT
Sáng nay, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Asean 2018 (World Economic Forum on ASEAN 2018) đã diễn ra diễn đàn mở với chủ đề “Asean 4.0 cho tất cả mọi người?” bàn về tiềm năng, cơ hội và những thách thức mà cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 đem lại cho khu vực Đông Nam Á cũng như vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp trong việc xây dựng nền kinh tế tăng trưởng bền vững và toàn diện tại khu vực này.
Chủ đề của Diễn đàn lần này là “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0” có tính thời sự, thiết thực, đáp ứng sự quan tâm chung của các nước ASEAN và nhiều nước trên thế giới. Quy tụ Nguyên thủ của các Quốc gia ASEAN cũng như hàng nghìn Nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp hàng đầu ASEAN.
Mở đầu Phiên thảo luận, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab cho rằng: “Thế giới không thể xem nhẹ tác động của cuộc CMCN 4.0 dù dưới góc độ quản trị doanh nghiệp hay quản trị quốc gia. Bởi nó không chỉ đơn thuần về một công nghệ như các cuộc cách mạng trước đây (Cuộc CMCN lần thứ nhất được đánh dấu bằng sự ra đời của máy hơi nước, lần thứ hai là điện năng và các dây chuyền sản xuất hàng loạt. CMCN lần thứ ba là những sáng tạo về máy tính) mà là tổ hợp nhiều loại công nghệ khác nhau bao gồm rất nhiều công nghệ mới như AL, IOT, Drones, máy móc chính xác … như tôi đã liệt kê trong cuốn sách viết về CMCN 4.0 của mình”.
“Chính vì thế CMCN 4.0 không chỉ thay đổi các mô hình kinh doanh và cách thức chúng ta cạnh tranh mà còn thay đổi toàn bộ nền kinh tế, xã hội. Trong tương lai các nước thành công với 4.0 là những nước có thể tận dụng và nắm bắt ưu thế mà cuộc cách mạng này mang lại”.
Tuy nhiên, khi tiến hành cuộc CMCN 4.0, không chỉ Việt Nam mà tất cả các Quốc gia cần đảm bảo con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm của cuộc cách mạng”. Ông cũng nhấn mạnh rằng: “WEF đã thành lập rất nhiều lực lượng đặc biệt được bố trí ở nhiều nơi trên thế giới để hỗ trợ và đảm bảo cho con người không trở thành nô lệ của robot. Để robot chỉ là công cụ phục vụ cho cuộc sống của con người.
Mục tiêu của diễn đàn lần này là thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về CMCN 4.0, nâng cao tinh thần doanh nhân và giúp chính phủ các nước ASEAN hoạch định các chính sách phù hợp. Chủ tịch WEF kỳ vọng các đại biểu tham dự diễn đàn không xem 4.0 là mối đe dọa mà đây chính là cơ hội để Việt Nam cũng như các nước trong khu vực tăng tính cạnh tranh bởi nếu nước nào bỏ lỡ chuyến tàu 4.0 thì nước đó sẽ thất bại.
Đứng trước nguy cơ thất nghiệp của rất nhiều người, Ngài Schwab trấn an rằng: “Chúng ta không nên bi quan mà phải lạc quan vì 4.0 cũng sẽ tạo ra rất nhiều việc làm mới. Điều quan trọng là chính phủ các nước cần có những chính sách cần thiết để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển dịch. Trong đó cần đặc biệt chú trọng Giáo dục – đào tạo về công nghệ mới đối với giới trẻ, giúp cho mọi người thay đổi tư duy để thích ứng với cuộc CMCN 4.0.
Thay mặt Chủ nhà, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng tình với những nhận định về tác động toàn diện của cuộc CMCN 4.0 của Ngài Chủ tịch WEF. “Các quốc gia, các doanh nghiệp và mọi nền kinh tế – xã hội cần phải hiểu rõ tác động của 4.0 để đảm bảo thành công trong thế kỷ 21”, Ông khẳng định và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới cá nhân Ngài Klaus Schwab cùng WEF đã hỗ trợ Việt Nam tận dụng cơ hội từ CMCN lần thứ tư này.
Về phần mình, Ngài Klaus Schwab cho rằng đã có sự hợp tác tuyệt vời giữa WEF với Việt Nam. Điều này thể hiện rõ bởi sự hiện diện của hơn 1.000 đại biểu đăng ký tham dự diễn đàn. Đây cũng là hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Điều đó chứng minh sự tự tin và tiềm năng của cả Việt Nam lẫn các nước trong khu vực ASEAN .
Cuốn cẩm nang cho cuộc CMCN 4.0 do Chủ tịch WEF chấp bút
Những phát biểu ấn tượng của Chủ tịch WEF tại Việt Nam năm 2018
– Đừng nghĩ bạn đang làm gì mà hãy nghĩ 20 năm nữa bạn sẽ là gì? – Tôi không thích những quy định, vì nó đã được làm và viết lại thành quy tắc. Hãy vượt ra những điều bình thương mà làm những điều khác biệt, khác thường. |
Minh Đường (BizC)