Đức tăng lương 25% cho gần hai triệu công nhân
Gần 2 triệu người lao động ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu chuẩn bị được tăng lương.
Ba đảng chính trị của Đức đã nhất trí thành lập chính phủ mới vào thứ Tư, trong đó đảng Dân chủ Xã hội cánh tả Olaf Scholz sẽ kế nhiệm Angela Merkel làm thủ tướng sau các cuộc đàm phán liên minh kéo dài.
Là một phần của thỏa thuận liên minh, quốc gia này có kế hoạch tăng lương tối thiểu lên € 12 (13,46 USD) một giờ, từ mức hiện tại là 9,60 € (10,77 USD) một giờ.
Theo Carsten Brzeski, một nhà kinh tế tại ING, động thái này có thể thúc đẩy thu nhập của gần 2 triệu người ở Đức hưởng mức lương tối thiểu, tức khoảng 5% người lao động. Ông nói rằng động thái này “rõ ràng là có ý nghĩa”.
Mức lương tối thiểu sẽ tăng lên 10,45 € (11,72 đô la) vào tháng 7 năm 2022. Văn bản của thỏa thuận liên minh không nêu rõ khi nào mức tăng một lần lớn hơn sẽ có hiệu lực.
Nhà kinh tế học Felix Huefner của UBS cho biết động thái này sẽ “thúc đẩy tăng trưởng tiền lương nói chung” trên toàn nền kinh tế Đức, đồng thời cảnh báo nó có thể “góp phần gây ra áp lực tiền lương rộng rãi hơn”.
Ngân hàng trung ương của Đức đã có bước đi bất thường khi công khai chỉ trích biện pháp này trong tuần này, gọi nó là “đáng lo ngại”. Họ cho rằng nó sẽ có tác động mạnh đến tiền lương của những người có thu nhập cao hơn.
Các nhà kinh tế và hoạch định chính sách trên khắp thế giới đã và đang theo dõi chặt chẽ việc tăng lương như một thành phần chính của lạm phát. Tại Đức, lạm phát trong tháng 10 ở mức 4,5%, mức cao nhất trong gần ba thập kỷ, khi giá năng lượng tăng và giá lương thực tăng.
Đức lần đầu tiên đưa ra mức lương tối thiểu quốc gia là 8,50 € (9,54 USD) vào năm 2015.
Mức lương tối thiểu của Đức đã thuộc hàng cao nhất trong Liên minh châu Âu.
Phú Anh