Đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới
Thực hiện Quyết định số 1269 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Hòa Lạc, với vai trò thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp tích cực tham gia vào cách mạng 4.0.
Cách mạng công nghệ 4.0 với những bước tiến vượt bậc đã và đang làm thay đổi đời sống, xã hội cũng như hoạt động sản xuất, quản trị, kinh doanh từng ngày, từng giờ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã xác định chuyển đổi số là cốt lõi của cách mạng công nghệ 4.0, từ đó thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, từng bước chuyển đổi mô hình kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bao trùm và bền vững.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ là động lực quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thông qua những giải pháp, mô hình, quy trình giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị của doanh nghiệp.
Hoạt động đổi mới sáng tạo trong thời gian qua đã được triển khai tại nhiều doanh nghiệp đa dạng về quy mô, trong đó có 2 kỳ lân khởi nghiệp công nghệ. Đây là tín hiệu tốt cho thấy năng lực, tư duy của cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, theo ông Đông, Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của khoa học công nghệ trong đổi mới sáng tạo. Đây là yếu tố cốt lõi cần phải được khai thác vào năm 2021, năm bản lề cho phục hồi và tăng trưởng bứt phá.
Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia
Thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế hậu đại dịch, xây dựng năm 2021 trở thành năm bản lề cho phục hồi, tăng trưởng, Bộ đã quyết định xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực Hòa Lạc, Hà Nội.
Được biết, khu vực Hòa Lạc đang được xây dựng trở thành khu sinh thái công nghệ cao, với hệ thống trường đại học, phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, trụ sở của nhiều doanh nghiệp đi đầu về phát triển công nghệ tại Việt Nam.
Kết nối với các chủ thể sẵn có tại Hòa Lạc, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được kỳ vọng sẽ là nơi hội tụ, đặt văn phòng, phòng nghiên cứu của các công ty trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, bao gồm cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup, doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp xã hội và chuyên gia, sinh viên, học viên có ý tưởng nghiên cứu.
Ông Vũ Quốc Huy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động tại trung tâm được nhận ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ, bao gồm ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư, kết nối chủ thể.
Lễ khởi công dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ được diễn ra vào ngày 9/1/2021. Dự kiến đến năm 2023, dự án sẽ hoàn tất bàn giao và đi vào hoạt động.
Để đổi mới sáng tạo trở thành văn hóa
Hòa chung không khí khởi công xây dựng trung tâm được Thủ tưởng Chính phủ kỳ vọng trở thành công cụ quan trọng để Việt Nam thực hiện cách mạng 4.0, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng chủ trì tổ chức Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE 2021).
Đây là triển lãm quốc tế đầu tiên về đổi mới sáng tạo do Việt Nam tổ chức, với mục đích tôn vinh, trưng bày các giải pháp công nghệ ấn tượng, hiệu quả do người Việt thực hiện, xuất phát từ các tổ chức, cá nhân, trường học và cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp của những người yếu thế trong xã hội.
Nói về VIIE 2021, ông Đông bày tỏ mong muốn triển lãm sẽ trở thành sân chơi mới cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, kết nối với những trung tâm, sự kiện đổi mới sáng tạo trên thế giới, lấy đó làm nền tảng thay đổi tư duy, nhận thức, khuyến khích và nhân rộng văn hóa đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới.
“Đổi mới sáng tạo không phải là những thứ cao siêu, mà là những nỗ lực để ứng dụng, để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, nâng cao tính cạnh tranh của các chủ thể trong nền kinh tế. Đổi mới sáng tạo là nỗ lực liên tục, bền bỉ, được chứng minh qua những hành động cụ thể”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thu Thảo