Đưa cà phê Việt vươn ra quốc tế – Cần hướng đi chiến lược và nỗ lực của doanh nghiệp
Nhằm hỗ trợ hiệu quả cho nhu cầu phát triển thị trường của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tập đoàn Central Group tổ chức Hội thảo kết nối thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm cà phê chế biến sang thị trường nước ngoài theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tại Hội thảo, các chuyên gia nước ngoài đã chia sẻ rất nhiều thông tin, kinh nghiệm hữu ích về nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng cà phê cho các doanh nghiệp Việt.
Lợi thế lớn
Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới với sản lượng 29 triệu bao (60kg/bao) trong năm 2020, chỉ sau Brazil. Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia có năng suất cà phê cao nhất thế giới với 2,4 tấn trên mỗi ha, gần gấp đôi Brazil (1,4 tấn/ha) và vượt xa các nước khác trong top 10 như Honduras (0,9 tấn/ha), Colombia (0,9 tấn/ha), Ethiopia (0,7 tấn/ha) hay Indonesia (0,5 tấn/ha).
Hiện nay cà phê Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhằm nâng cao giá trị gia tăng của cây trồng chủ lực này, những năm gần đây Việt Nam đã đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, khai thác tối đa lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030. Trong các FTA Việt Nam đã tham gia ký kết, tất cả các thị trường đều mở cửa cho sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam với mức thuế ưu đãi từ 0-5%. Đây thực sự là một lợi thế rất lớn để cà phê Việt Nam có thể cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ xuất khẩu cà phê nặng ký như Brazil.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam chiếm hơn 40% sản lượng của thế giới. Cà phê trồng ở Việt Nam cũng cho năng suất, sản lượng cao hơn so với các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu khác. Tuy nhiên để đưa sản phẩm cà phê Việt Nam vươn ra chinh phục các ra thị trường quốc tế là điều không dễ dàng, đòi hỏi một hướng đi chiến lược cũng như nỗ lực của doanh nghiệp. Chính vì vậy Hội thảo lần này là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến cà phê xuất khẩu gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này, từ đó tìm hiểu, nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng của khách hàng nước ngoài, đưa sản phẩm cà phê thương hiệu Việt có chất lượng, giá trị gia tăng cao tới tận tay người tiêu dùng nước ngoài. Ngoài ra Hội thảo cũng giúp các doanh nghiệp đã đưa được sản phẩm cà phê Việt Nam ra thị trường quốc tế đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu, xây dựng hướng đi chiến lược cho giai đoạn mới
Cũng theo ông Linh, từ năm 2019 đến nay, trong khuôn khổ Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê xuất khẩu về thông tin thị trường, cũng như tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, các chương trình giới thiệu, quảng bá cà phê Việt Nam tới đối tác nước ngoài.
Để hỗ trợ cà phê Việt Nam thâm nhập và chinh phục thành công các thị trường mới tiềm năng, trong năm 2022 Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương, hiệp hội ngành hàng triển khai các chương trình quảng bá, hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và cà phê nói riêng sang thị trường khu vực thị trường châu Âu – châu Mỹ; trong đó sẽ lập đội tư vấn của các nhà tư vấn châu Âu như ở Pháp, Đức, Ý – những thị trường nhiều khả năng có thể xâm nhập. Đoàn doanh nghiệp này sẽ tiến hành khảo sát theo tư vấn của các chuyên gia và tự lựa chọn cách tiếp cận như: bán theo thương hiệu của mình hay bán theo thương hiệu khác, lựa chọn kênh phân phối, đại diện cho thương hiệu… Căn cứ vào kết quả đó, sẽ tư vấn để thâm nhập được hệ thống phân phối của nước ngoài, bán sản phẩm của mình vào hệ thống các nước châu Âu.
Kinh nghiệm từ các chuyên gia
Chia sẻ về kinh nghiệm xuất khẩu và phát triển các sản phẩm cà phê chế biến nguồn gốc Việt Nam trên thị trường các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Timen R.T.Swijtink- Giám đốc điều hành Lacàph cho rằng Việt Nam có thể “bán” văn hóa cà phê của mình ra thế giới và đây thực sự là một cơ hội vàng, đặt trong bối cảnh sản xuất cà phê của Việt Nam ngày một tốt hơn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cũng như đáp ứng các chứng chỉ mà người tiêu dùng quốc tế yêu cầu.
Ở khía cạnh chất lượng, ông Philipp – Chủ tịch Cơ quan định giá sản phẩm nông sản Pháp cho rằng mặc dù Việt Nam đã tiếp cận được cà phê xay, cà phê rang xay nhưng để tăng cường chất lượng hạt cà phê thì nhà sản xuất cần phải quan tâm đến chuyển đổi hạt cà phê cũng như quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu. “Theo tôi các doanh nghiệp nên tìm đến thương hiệu chung. Đơn cử nếu doanh nghiệp đang bán một mặt hàng truyền thống của một địa phương nào thì có thể quảng bá, phát triển hình ảnh đó trên khắp thế giới. Khi đó việc bán cà phê từ một vùng cụ thể của Việt Nam sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”- ông Philipp khuyến nghị
Còn theo bà Nhung Đinh – Công ty thu mua Source of Asia, để giúp sản phẩm thành công trên thị trường, bên cạnh việc tập trung vào chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, thì cần tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và lựa chọn kênh bán hàng hợp lý, phân bổ nguồn lực với mục tiêu cụ thể.
Thế Anh