Dự thảo Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong AHKFTA: Nhiều vấn đề cần lưu ý…
Thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc (AHKFTA), Bộ Công Thương Việt Nam đang dự thảo Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định này. Thông tư áp dụng đối với: các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); các thương nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong khuôn khổ AHKFTA.
Theo Dự thảo Thông tư, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu hàng hóa đó: có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên xuất khẩu theo quy định tại Điều 6 Thông tư này; được sản xuất tại nước thành viên xuất khẩu chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên; được sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ tại nước thành viên xuất khẩu với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng các quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này, hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên xuất khẩu trong các trường hợp sau: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng (bao gồm quả, hoa, rau, cây, rong biển, nấm và cây trồng sống) được trồng, thu hoạch, hái hoặc thu lượm tại một nước thành viên; Động vật sống (bao gồm động vật có vú, chim, cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm, bò sát, vi khuẩn và vi-rút) được sinh ra và nuôi dưỡng tại một nước thành viên; sản phẩm thu được từ động vật sống tại một nước thành viên; Sản phẩm thu được từ săn bắn, đánh bẫy, đánh bắt, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thu lượm hoặc săn bắt tại một nước thành viên; Khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên khác không bao gồm quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển một nước thành viên; Sản phẩm đánh bắt từ biển hoặc thu được bằng tàu được đăng ký tại nước thành viên xuất khẩu hoặc treo cờ của nước thành viên đó, và khoáng sản hoặc chất sản sinh tự nhiên khác lấy từ biển, đáy biển hoặc lòng đất nằm bên ngoài lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu, với điều kiện nước thành viên đó có quyền khai thác biển, đáy biển và lòng đất đó theo luật quốc tế; Sản phẩm đánh bắt hải sản và các sản phẩm từ biển khác đánh bắt từ vùng biển cả bằng tàu được đăng ký tại một nước thành viên hoặc treo cờ của nước thành viên đó; Sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất từ các sản phẩm đề cập tại khoản 7 Điều này ngay trên boong tàu đăng ký với Một nước thành viên hoặc được phép treo cờ của nước thành viên đó; Phế thải và phế liệu được loại ra trong quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng tại một nước thành viên, với điều kiện phế thải, phế liệu đó chỉ phù hợp làm nguyên liệu hoặc mục đích tái chế; Sản phẩm đã qua sử dụng thu được tại một nước thành viên với điều kiện sản phẩm đó chỉ phù hợp làm nguyên liệu hoặc mục đích tái chế; Sản phẩm được sản xuất hoặc thu được tại nước thành viên xuất khẩu chỉ từ các sản phẩm theo quy định từ khoản 1 đến khoản 10 Điều này.
Về quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa, Dự thảo Thông tư nêu rõ mỗi nước thành viên thông báo cho tất cả các nước thành viên khác về tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức cấp C/O và cung cấp mẫu chữ ký, mẫu con dấu chính thức và mẫu con dấu sửa đổi (nếu có) của các cơ quan có thẩm quyền cấp C/O đó. Các thông tin trên do các đầu mối thông báo theo hình thức điện tử đến tất cả các nước thành viên khác thông qua Ban Thư ký ASEAN ít nhất 1 tháng trước khi có hiệu lực. Trường hợp có sự thay đổi về tên, địa chỉ, mẫu dấu chính thức, mỗi nước thành viên lập tức thông báo cho tất cả các nước thành viên khác theo hình thức tương tự. Tất cả các nước thành viên lập tức xác thực việc nhận được thông tin từ Ban Thư ký ASEAN để Ban Thư ký ASEAN chuyển đến nước thành viên thông báo mẫu chữ ký, mẫu con dấu. Để đảm bảo hưởng ưu đãi thuế quan, cơ quan, tổ chức cấp C/O có quyền yêu cầu xuất trình bất kỳ tài liệu, chứng từ hoặc tiến hành kiểm tra nếu xét thấy cần thiết.
Về kiểm tra trước khi xuất khẩu, Dự thảo Thông tư nêu rõ nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất sản phẩm được cho là đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan nộp đơn cho cơ quan, tổ chức cấp C/O yêu cầu việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa trước khi xuất khẩu. Kết quả kiểm tra, xác minh xem xét định kỳ hoặc khi thấy cần thiết, được chấp nhận như chứng từ hỗ trợ việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Việc kiểm tra trước khi xuất khẩu có thể không cần áp dụng đối với hàng hóa mà bản chất xuất xứ của hàng hóa đó có thể dễ dàng xác định được. Đối với nguyên liệu mua trong nước, việc tự khai báo xuất xứ của nhà sản xuất cuối cùng trong khuôn khổ AHKFTA được coi là chứng từ cơ bản khi đề nghị cấp C/O mẫu AHK.
Khi làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan, nhà xuất khẩu hoặc người được ủy quyền nộp đơn đề nghị cấp C/O mẫu AHK kèm theo chứng từ cần thiết chứng minh rằng hàng hóa xuất khẩu đáp ứng điều kiện để được cấp C/O mẫu AHK. Đối với Trung Quốc, nhà sản xuất Trung Quốc có thể áp dụng C/O mẫu AHK trong trường hợp nhà sản xuất đó cần ủy quyền cho các đại lý thay mặt để xuất khẩu.
C/O mẫu AHK được cấp trước thời điểm hoặc tại thời điểm hàng lên tàu. Trường hợp C/O mẫu AHK không được cấp tại thời điểm hàng lên tàu hoặc không muộn hơn 3 ngày tính từ ngày hàng lên tàu theo đề nghị của nhà xuất khẩu, C/O mẫu AHK được cấp sau phù hợp với quy định pháp luật nước thành viên xuất khẩu. Việc cấp sau này được thực hiện trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hàng lên tàu. Trong trường hợp đó, nhà nhập khẩu đề nghị hưởng ưu đãi thuế quan có thể nộp C/O mẫu AHK cấp sau cho cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu theo quy định pháp luật của nước thành viên đó.
C/O mẫu AHK do cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu cấp còn hiệu lực được nộp cho cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu trong vòng 1 năm kể từ ngày cấp. Bản gốc C/O mẫu AHK được nộp tại cơ quan Hải quan tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu cho hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định pháp luật của nước thành viên nhập khẩu.
Hàng hóa có xuất xứ từ nước thành viên xuất khẩu có trị giá FOB không quá 200 USD được miễn nộp C/O mẫu AHK và chỉ cần bản khai báo đơn giản của nhà xuất khẩu rằng hàng hóa nằm trong diện nghi ngờ đó có xuất xứ của nước thành viên xuất khẩu. Hàng hóa gửi qua đường bưu điện có trị giá FOB không quá 200 USD cũng được áp dụng tương tự.
Huy Hoàng