Dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và giảm nợ

Tổng thống Biden và liên minh lưỡng đảng gồm các thượng nghị sĩ đã đạt được thỏa thuận vào tuần trước cho dự luật cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong vài thập kỷ tới trong khi cắt giảm mức nợ chưa từng có của quốc gia.

Kết quả nghiên cứu từ Mô hình Ngân sách Penn Wharton, một nhóm phi đảng phái tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, cho thấy thỏa thuận trị giá 973 tỷ USD – bao gồm 579 tỷ USD tài trợ mới – sẽ giúp giảm nợ 0,9% và tăng GDP 0,1% vào năm 2050.

Kế hoạch này thu hút tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm giảm chênh lệch thuế bằng cách tăng cường thực thi, chuyển hướng số tiền thất nghiệp liên bang chưa sử dụng từ 26 bang đang sớm kết thúc chương trình cứu trợ và thay thế các biện pháp cứu trợ COVID khác.

Phần lớn chi tiêu trong kế hoạch sẽ diễn ra trong vài năm đầu tiên thực hiện kế hoạch, điều ban đầu sẽ làm tăng thêm mức nợ của quốc gia – vốn đã ở mức kỷ lục 28 nghìn tỷ USD, nhờ mức kích thích kỷ lục của chính phủ trong đại dịch. Nhưng theo thời gian, khi chi tiêu mới giảm và việc thực thi thu thuế tăng lên, mức nợ sẽ bắt đầu giảm dần, giảm 0,4% vào năm 2040 và 0,9% vào năm 2050.

Nó cũng sẽ thúc đẩy tiền lương tăng khoảng 0,1% mỗi thập kỷ cho đến năm 2050.

Dự luật sẽ phân bổ 109 tỷ USD cho cầu đường, 66 tỷ USD cho đường ray bao gồm Amtrak, 49 tỷ USD cho phương tiện công cộng, 65 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng băng thông rộng và 75 tỷ USD cho nguồn điện, bao gồm cơ quan quản lý lưới điện, cùng với các dự án cơ sở hạ tầng “cốt lõi” khác.

21 thượng nghị sĩ – 11 đảng viên Cộng hòa và 10 thành viên đảng Dân chủ – đã tán thành khuôn khổ này, mặc dù nó vẫn cần giành được sự ủng hộ của Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer để đáp ứng ngưỡng 60 phiếu bầu cần thiết để thông qua luật tại Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát.

Duy Mạnh