Dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á năm 2022
Các nhà kinh tế đã nâng cấp dự báo tăng trưởng cho các nước Đông Nam Á lớn vào năm 2022, được thúc đẩy bởi khoản chi tiêu liên quan đến bầu cử ở Philippines và việc mở cửa trở lại ngành du lịch của Thái Lan.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 tiếp tục phủ bóng lên sự mở rộng kinh tế toàn diện, đè nặng lên dự báo tăng trưởng của Malaysia. Các nhà kinh tế cho biết triển vọng tăng lãi suất ở Mỹ và lạm phát gia tăng cũng có thể gây mất ổn định trên con đường phục hồi ở Indonesia và Ấn Độ.
Tổng sản phẩm quốc nội của năm thành viên lớn nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan – sẽ tăng 5,1% vào năm 2022, theo khảo sát hàng quý mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và Nikkei. Con số đó phản ánh sự điều chỉnh tăng lên 0,1 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát trước.
Cuộc khảo sát đã nhận được phản hồi từ 38 nhà kinh tế và nhà phân tích và được thực hiện từ ngày 19 tháng 11 đến ngày 13 tháng 12, trong đó những trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên do biến thể Omicron đã được xác nhận.
Biến thể Omicron, vốn được các nhà khoa học cho rằng có khả năng lây truyền cao, đã thúc đẩy các chính phủ trên thế giới thu hẹp kế hoạch mở lại biên giới trong khi họ phải đánh giá lại hiệu quả của vắc xin COVID-19 hiện có.
Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Philippines được điều chỉnh tăng từ 6,6% lên 7,1% – tăng từ mức dự báo năm 2021 là 5,1%. Các nhà kinh tế cho rằng các điều chỉnh tăng lên là do số ca mắc COVID-19 ở nước này giảm và kỳ vọng tăng chi tiêu trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 5 năm 2022.
Dự báo GDP của Thái Lan cho năm 2022 cũng được điều chỉnh tăng từ 3,4% lên 3,7%. Chính phủ Thái Lan đã nối lại hoạt động du lịch quốc tế vào tháng 11, tiếp đón những du khách đã được tiêm phòng và không áp đặt các yêu cầu kiểm dịch. Thái Lan đã phát hiện trường hợp mắc Omicron đầu tiên vào đầu tháng này nhưng vẫn chưa đình chỉ chính sách mở lại biên giới.
Mặt khác, dự báo tăng trưởng kinh tế của Malaysia được điều chỉnh giảm từ 6,2% xuống 6,0%. Điều này chủ yếu là do sự suy giảm kinh tế thấp hơn dự kiến 4,5% trong quý từ tháng 7 đến tháng 9 sau khi chính phủ áp đặt các biện pháp đóng cửa chặt chẽ hơn để ngăn chặn làn sóng thứ ba của COVID-19. Tuy nhiên, cuộc khảo sát không bao gồm các tác động kinh tế từ đợt lũ lụt xảy ra vào cuối tuần này, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán.
Dự báo tăng trưởng của Ấn Độ cho năm 2022 cũng được điều chỉnh giảm từ 7,5% xuống 7,3%. Nó sẽ đánh dấu sự chậm lại so với mức tăng trưởng 9,5% dự kiến vào năm 2021. Ước tính tăng trưởng GDP của Indonesia không thay đổi ở mức 5,0% vào năm 2022, tăng so với mức dự kiến 3,5% trong năm nay. Wisnu Wardana, nhà kinh tế tại Bank Danamon Indonesia, cho biết: “Động cơ kinh tế của Indonesia sẽ chuyển từ ngoại thương sang nhu cầu trong nước kể từ năm 2022 trở đi, mang lại một môi trường lành mạnh và chính trị ổn định”. Ông cũng bày tỏ hy vọng về sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đạo luật omnibus mà Quốc hội đã thông qua vào năm ngoái nhằm mục đích cắt giảm tệ quan liêu .
Quốc Anh