Dòng vốn đầu tư nước ngoài trên toàn cầu lần đầu giảm sâu trong lịch sử
Năm 2020 đánh dấu một năm ảm đạm của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi chứng kiến xu hướng giảm sâu tại hầu hết các khu vực và nền kinh tế trên thế giới. Đây cũng là năm Trung Quốc vượt Mỹ trở thành quốc gia số 1 thế giới về thu hút FDI.
Theo báo cáo “Investment Trends Monitor” của Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 24/01/2021, trong năm 2020 tổng vốn FDI trên toàn cầu ước đạt 859 tỷ USD, giảm 42% so với năm 2019. Đây là mức thấp nhất kể từ những năm 1990 và thấp hơn 30% so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Tại các nước phát triển, tổng FDI ước tính 229 tỷ USD, giảm 69% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Trong đó, khu vực đồng EURO FDI đã cạn kiệt hoàn toàn khi chỉ đạt -4 tỷ USD, giảm tới 101,2% so với năm 2019; một số quốc gia có vốn FDI thấp kỷ lục như Hà Lan (đạt -150 tỷ USD) và Thuy Sỹ (đạt -88 tỷ USD).
Trong năm 2020, FDI của khu vực EU27 ước đạt 110 tỷ USD, giảm 70,5% so với năm 2019. 17 thành viên trong khu vực này, vốn FDI đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là Đức (FDI ước đạt 23 tỷ USD, giảm 60,3% so với năm 2019); Pháp (FDI ước tính 21 tỷ USD, giảm 39% so với năm 2019).
Vốn FDI tại Anh cũng thấp kỷ lục khi ước đạt -1,3 tỷ USD, giảm 102,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, môt số quốc gia khác tại châu Âu lại ghi nhận tín hiệu tích cực về FDI trong năm 2020 như Thụy Điển (FDI ước đạt 29 tỷ USD, tăng 141,7% so với năm 2019); FDI vào Tây Ban Nha ước tăng 52% so với năm trước.
Tại khu vực Bắc Mỹ, FDI ước đạt 166 tỷ USD, giảm 46% so với năm 2019. Trong số đó, FDI vào Mỹ chỉ đạt 134 tỷ USD, giảm 49% so với năm 2019 – nguyên nhân chính khiến cho FDI vào Mỹ giảm là do chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và sự kiểm soát chưa tốt đại dịch Covid-19 của nước này. Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu bất ổn cũng khiến dòng vốn đầu tư suy giảm. FDI vào Úc cũng ước đạt 22 tỷ USD, giảm 46% so với năm trước. Trong khi đó, FDI vào Nhật Bản năm 2020 ước đạt 17 tỷ USD, tăng 13,3% so với năm 2019.
Tại các nước đang phát triển, FDI ước đạt 616 tỷ USD, giảm 12% so với năm 2019. Trong đó, các quốc gia đang phát triển tại châu Á FDI ước đạt 476 tỷ USD, giảm 4% so với năm trước; FDI vào khu vực Mỹ la tinh và vùng biển ca-ri-bê ước đạt 101 tỷ USD, giảm 37% so với năm 2019; FDI vào khu vực châu Phi ước đạt 38 tỷ USD, giảm 18% so với năm trước và FDI vào các nền kinh tế đang chuyển đổi ước tính 13 tỷ USD, giảm 77% so với năm 2019.
Bất chấp xu hướng giảm chung của FDI tại châu Á thì FDI vào khu vực Đông Á vẫn tăng 12% so với năm 2019 khi ước đạt 283 tỷ USD; trong đó, FDI vào Hồng Kông tăng 40%; FDI vào Trung Quốc tăng 4% khi ước đạt 163 tỷ USD, điều này khiến cho FDI vào Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ trở thành quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới. Trước đó, năm 2019, Trung Quốc đứng thứ 2 với tổng vốn FDI là 140 tỉ USD, trong khi ở vị trí số 1 là Mỹ với tổng vốn là 251 tỷ USD. Nguyên nhân chính là do nước này đã có những biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như ổn định và phục hồi kinh tế nhanh, điều này hấp dẫn FDI hơn. Nền kinh tế này tăng trưởng tới 2,3% năm 2020 và trở thành thị trường lớn duy nhất trên thế giới có mức tăng trưởng dương.
Tác động của dịch bệnh đã khiến cho FDI vào khu vực Đông Nam Á trong năm 2020 giảm 31% so với năm 2019, ước đạt 107 tỷ USD. Trong đó, mức giảm mạnh nhất được ghi nhận ở Malaysia là 68%, tiếp đó là Singapore với mức giảm 37%, Indonesia và Việt Nam có mức giảm lần lượt là 24%, 10%.
Ngược lại, FDI vào khu vực Nam Á ước đạt 65 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2019 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Trong đó, Ấn Độ là quốc gia chưa thực sự kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng lại động lực chính của tăng trưởng FDI khu vực này khi thu hút tới 57 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã trở thành điểm sáng trong thu hút FDI năm 2020 bất chấp dịch bệnh.
FDI toàn cầu năm 2021 theo xu hướng phục hồi yếu
Theo UNCTAD, FDI toàn cầu năm 2021 dự báo vẫn yếu khi giảm từ 5 đến 10%. Theo ông James Zhan – trưởng bộ phận nghiên cứu đầu tư của UNCTAD, đối với các nước đang phát triển, triển vọng cho năm 2021 là một mối quan tâm lớn. Mặc dù, dòng vốn FDI vào các nền kinh tế đang phát triển có vẻ tương đối ổn định vào năm 2020, nhưng thu hút về lĩnh vực xanh giảm 46% và tài trợ cho các dự án quốc tế giảm 7%. Trong khi đó, những loại hình đầu tư này rất quan trọng đối với năng lực sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng và do đó cho triển vọng phục hồi bền vững.
UNCTAD kỳ vọng sự gia tăng trong dòng vốn FDI toàn cầu trong năm 2021 sẽ không phải đến từ đầu tư mới vào các tài sản sản xuất mà từ hoạt động M&A xuyên biên giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe.
Huy Hoàng