Động thái hiếm thấy của ông Obama với Tổng thống Trump giữa đại dịch
Trong nhiều tuần lễ, cựu tổng thống Barack Obama đã chọn cách im lặng trước những lời nhạo báng, khi đương kim Tổng thống Donald Trump tìm cách trốn tránh trách nhiệm khi đại dịch Covid-19 bùng phát bằng cách đổ lỗi cho người tiền nhiệm. Nhưng ngày 31/3, cựu tổng thống Obama đã đáp trả, theo Washington Post.
“Chúng ta đều đã chứng kiến hậu quả khủng khiếp của việc xem nhẹ cảnh báo về đại dịch”, ông Obama viết trên trang Twitter cá nhân với 115 triệu tài khoản theo dõi. Đây được coi là chỉ trích đầu tiên của cựu tổng thống nhắm vào các phản ứng ban đầu của chính quyền Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn mối đe dọa của dịch bệnh.
“Chúng ta không thể chịu thêm một cuộc khủng hoảng khí hậu nào nữa. Chúng ta, nhất là những người trẻ tuổi, phải yêu cầu chính quyền làm tốt hơn, thực hiện nghĩa vụ bỏ phiếu để làm nên thay đổi vào mùa thu này”, cựu tổng thống lên án quyết định đảo ngược các quy định về giảm khí thải, ban hành từ thời ông Obama, mà chính quyền của ông Trump đã tiến hành.
Dù những người thân cận với vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ cho biết thông điệp của ông Obama nhắm tới một nhóm chính trị gia đảng Cộng hòa chịu trách nhiệm cho thái độ phủ nhận nghiên cứu khoa học về khí hậu, quyết định quay trở lại sàn đấu chính trị của ông Obama trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng phần nào hé lộ bước chuyển trong chiến lược của cựu tổng thống, cho thấy ông Obama sẽ xuất hiện nhiều hơn với vai trò trung lập.
Từ ngôi nhà ở Kaloroma, ông Obama cho biết quyết tâm sử dụng sự ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội để phổ biến thông tin, trên cơ sở sự thật và khoa học, nhằm giúp công chúng giữ an toàn cho bản thân, cũng như nâng cao sự đồng cảm và thiện ý của người dân trong bối cảnh thảm họa quốc gia.
Những người thân cận với ông Obama cho biết cựu tổng thống không muốn rơi vào phiền phức nếu xung đột trực tiếp với Tổng thống Trump. Các cựu trợ lý của ông Obama, mà nổi bật là Ron Klain, người chịu trách nhiệm chính tại Nhà Trắng trong xử lý đại dịch Ebola, được tin cậy giúp ông Obama đối phó với những chỉ trích từ chính quyền Trump, cũng như đính chính với công luận nếu chính quyền Trump phát đi thông tin sai lệch.
“Tôi nghĩ tồn tại một sự cân bằng bất đắc dĩ ở đây. Cựu tổng thống Obama có tiếng nói to lớn, người dân vẫn muốn lắng nghe những thông điệp của ông ấy. Trong thời điểm khủng hoảng toàn cầu, ông ấy không muốn tạo ra điều mà về mặt chính trị bị coi là một cuộc chiến giữa cựu tổng thống Dân chủ với đương kim tổng thống Cộng hòa, dù Tổng thống Trump xử lý vấn đề này hoàn toàn sai lầm”, Jen Psaki, Giám đốc truyền thông Nhà Trắng dưới thời Obama, nhận định.
Tuy nhiên, các đồng minh của Tổng thống Trump đã nhanh chóng bám lấy dòng tweet của ông Obama để khuếch đại cuộc đấu chính trị trước thềm bầu cử 2020.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz rất mỉa mai khi cho rằng ông Obama đã lên tiếng giúp sức mang tới “sự thất bại thảm hại của hai nhân vật Joe Biden và Nancy Pelosi”, ứng viên Dân chủ và thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện. Thông điệp của Thượng nghị sĩ Ted Cruz nhắm tới việc hai chính trị gia Dân chủ đã phản đối việc Tổng thống Trump áp đặt lệnh cấm di chuyển với người tới từ Trung Quốc, biện pháp được coi là giúp làm giảm tốc độ lây lan của đại dịch.
Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere thì bày tỏ sự nuối tiếc vì “cựu tổng thống đã tạo ra sự chia rẽ thay vì phối hợp” ngăn chặn đại dịch.
“Trong thời gian bất ổn này, người dân Mỹ đang nhận được sự an ủi, hy vọng và nguồn lực hỗ trợ từ Tổng thống Trump. Người dân Mỹ có tinh thần rất mạnh mẽ và họ đang tiếp tục đáp lại lời kêu gọi dành tất cả cho người Mỹ theo những cách chưa từng có”, ông Deere nói.
Các cộng sự của ông Obama khẳng định những thông điệp của cựu tổng thống Obama nhất quán với cam kết của ông về việc lên tiếng thân trọng khi nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump đảo ngược các chính sách “đinh” được phê duyệt dưới thời Obama có nguy cơ đe dọa lợi ích cộng đồng.
Cựu tổng thống Obama đã công khai lên tiếng phản đối việc Nhà Trắng dưới thời ông Trump tìm cách đảo ngược Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, hay rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và Thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng như thay đổi các chính sách về người nhập cư.
Tại một số thời điểm, cựu tổng thống tỏ ra kiềm chế và tránh đối đầu với chính quyền Trump. Động thái này khiến những người theo chủ nghĩa tự do, vốn trông đợi vào đối trọng có sức nặng của đảng Dân chủ nhằm cân bằng với ảnh hưởng của Tổng thống Trump, hoang mang và nản lòng.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến ngày càng căng thẳng, cựu phó tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, hai ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ không thể tiếp tục triển khai chiến dịch tranh cử, đã gần như chìm nghỉm trước những bài phát biểu được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng của Tổng thống Trump.
Trong tháng 3, Tổng thống Trump đã chuyển hướng những chỉ trích nhắm vào Washington về cách đối phó với đại dịch bằng cách công kích cách mà chính quyền cựu tổng thống Obama, khi đó ông Biden là phó tổng thống, trong ứng phó với đợt bùng phát của virus H1N1 năm 2009. Tổng thống Trump cũng cáo buộc chính quyền ông Obama đã ban hành những quy định tạo nên gánh nặng cho các công ty tư nhân trong sản xuất thiết bị xét nghiệm virus.
Khắc Duy