Dòng chảy thương mại tháng 4 giảm mạnh và thách thức đặt ra với nền kinh tế Trung Quốc

Tháng 4, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong khi xuất khẩu vẫn ì ạch phần nào cho thấy nhu cầu tiêu thụ nội địa còn yếu, đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn rất mong manh…

Cảng Thanh Đảo (Sơn Đông, Trung Quốc) tháng 5/2022. Ảnh: Reuters

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong tháng 4 nhập khẩu của nước này giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tệ hơn rất nhiều so với mức giảm 1,4% hồi tháng 3. Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 cũng chỉ tăng 8,5%, trong khi tháng 3 tăng gần 15%.

Trong một cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Reuters, giới chuyên gia kinh tế dự báo nhập khẩu của Trung Quốc sẽ đứng yên và xuất khẩu tăng 8%. “Nhiều người tin tưởng sau khi mở cửa trở lại, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ dễ dàng vượt mức của năm 2022. Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc hậu Covid dù diễn ra nhanh và mạnh nhưng chủ yếu vẫn chỉ giới hạn ở bên trong nước này mà không có sự tác động lên nền kinh tế toàn cầu” – nhà kinh tế học Xu Tianchen của tổ chức nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định

Trước đó các quan chức Trung Quốc cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về việc môi trường bên ngoài rất “phức tạp” và “khó khăn” khi nguy cơ suy thoái kinh tế tăng lên tại nhiều quốc gia vốn là đối tác thương mại quan trọng của nước này.

Việc dòng chảy thương mại tháng 4 giảm mạnh sẽ làm dấy lên nhiều lo ngại về nhu cầu bên ngoài và rủi ro đặt ra đối với nền kinh tế Trung Quốc. Mối lo ngại này càng lớn hơn, đặt trong bối cảnh đà phục hồi tại Trung Quốc vẫn rất mong manh khi cả xuất nhập khẩu đều chịu ảnh hưởng từ các biện pháp phòng chống dịch trước đó. “Trên cơ sở nhu cầu ảm đạm từ bên ngoài, chúng tôi cho rằng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sẽ còn giảm mạnh hơn rồi chạm đáy vào cuối năm nay” – Chuyên gia kinh tế Zichung Huang của Công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định.

Sự sụt giảm nhập khẩu của Trung Quốc cũng đồng thời cho thấy trong năm nay nền kinh tế thế giới vẫn chưa thể dựa vào nước này như một đầu tàu tăng trưởng. Các nhà phân tích cho biết chiến dịch thắt chặt tiền tệ trên thế giới gần 2 năm qua và biến động trong ngành ngân hàng phương Tây sẽ càng gây khó cho cả Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu.

Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 4/2023, xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á – đối tác xuất khẩu lớn nhất của nước này chỉ tăng 4,5%, giảm mạnh so với mức tăng 35,4% của tháng 3.

Các dữ liệu khác gần đây cũng cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm 26,5% trong tháng 4, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp. Nhập khẩu than đá, đồng và khí đốt giảm sút phần nào cho thấy sự suy giảm nhu cầu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chỉ số giá sản xuất (PMI) tháng 4 của Trung Quốc công bố gần đây cho thấy các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm mạnh. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ đối với kỳ vọng của giới chức và doanh nghiệp Trung Quốc về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế hậu Covid – 19.

Quý I/2023, GDP của Trung Quốc tăng 4,5%, vượt dự báo của giới phân tích. Mặc dù con số tích cực này mang tới một sự giải toả tâm lý nhất định song thị trường bất động sản đang có dấu hiệu suy yếu, giá cả tăng chậm lại và tiền tiết kiệm trong ngân hàng tăng vọt đã làm dấy lên nhiều lo ngại về nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Trong năm 2023 này, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP quanh mức 5% – thấp nhất trong 30 năm trở lại đây

Quốc An