Doanh nhân Việt: Người thắp lửa cho kỷ nguyên số
Doanh nghiệp, doanh nhân Việt, doanh nhân dân tộc ngày nay dù làm ăn lớn hay nhỏ, họ đang cùng cả đất nước làm nên hình ảnh của nền kinh tế Việt Nam đa dạng, năng động và tràn đầy năng lượng. Đặc biệt, cho dù nền kinh tế có phát triển đến đâu thì văn hoá doanh nghiệp vẫn sẽ là nguồn cảm hứng mạnh – bởi văn hóa không bao giờ xưa cũ…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ ra mắt chương trình
Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam tại Hà Nội.
Nếu coi doanh nghiệp như ngôi nhà, thì tinh thần doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, quản trị và công nghệ là những trụ cột. Nếu coi doanh nghiệp như một cỗ xe thì động cơ là tinh thần doanh nghiệp, tay lái là văn hóa doanh nghiệp và bánh xe là quản trị, công nghệ. Thiếu văn hóa thì doanh nghiệp như ngôi nhà thiếu trụ cột, cỗ xe mất lái và hành trình thiếu ngọn đuốc soi đường. Bao trùm tất cả, tinh thần tự tôn dân tộc sẽ hun đúc giá trị văn hóa doanh nghiệp Việt.
Từ xây dựng văn hóa doanh nghiệp kỷ nguyên số
Có thể trong 30 năm tới nhiều CEO hàng đầu của thế giới sẽ là robot. Nhưng, robot sẽ không thể thay thế được con người và các doanh nhân sẽ vẫn là người thắp lửa và chăm lo phần hồn và cốt cách, cũng như các giá trị đạo đức, nhân văn của doanh nghiệp. Cho dù xã hội, nền kinh tế…có phát triển đến đâu thì văn hoá doanh nghiệp vẫn là điều không thể thiếu. Bác Hồ nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Có thể ví thế này, nếu văn hóa là ngọn đuốc soi đường thì xây dựng văn hóa là hành trình thắp lửa. Không ai khác, chính các doanh nhân, nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải là người thắp lửa. Nói như thế để thấy rằng, việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết trong kỷ nguyên số của hiện tại và tương lai. Sáng tạo, chia sẻ và liên kết sẽ là chìa khóa để dẫn tới thành công. Nhưng văn hóa vẫn là ngọn lửa soi đường và doanh nhân Việt chính là người thắp lửa và giữ lửa trong cuộc cách mạng 4.0, không thể nào khác được…
Dù rằng, câu chuyện này không mới nhưng nó không bao giờ cũ. Tại sao vậy? Là bởi công nghệ càng phát triển thì văn hóa càng phải cao. Văn hóa là “cái neo” nhân văn trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra như vũ bão. Thiếu cái neo nhân văn ấy thì sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ có thể dẫn đến thảm họa cho con người, doanh nghiệp và xã hội.
Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp thời nay cũng khác so với trước đây, bởi việc tạo dựng giá trị niềm tin chung trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong môi trường có sự tương tác đa dạng, đa chiều của các chủ thể, không chỉ giữa con người với con người, mà còn giữa con người với robot, giữa thế giới người với thế giới vật lý và sinh học là việc không phải dễ dàng. Văn hóa phải dung hòa mới phát huy được sức mạnh của một thế giới đa chiều cạnh và siêu kết nối.
Bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp cho thấy không thể xây dựng một thương hiệu mạnh và bền vững nếu thiếu một nền tảng quản trị và văn hóa doanh nghiệp mạnh. Chính văn hóa doanh nghiệp là hồn cốt và sự khác biệt cho sự cạnh tranh của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là thứ khó có thể vay mượn hay sao chép nhất.
Đến câu chuyện “Con cá bơi nhanh sẽ xơi con bơi chậm”
Một vấn đề nữa là tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số sẽ như thế nào? Liệu nó có khác gì so với thời kỳ trước. Có một điều chắc chắn rằng, trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ không còn cảnh “cá lớn nuốt cá bé” như các kỷ nguyên trước mà là “Con cá bơi nhanh sẽ xơi con bơi chậm”. Để có được tốc độ trong cạnh tranh, cần phải thay đổi công nghệ và quản trị. Và để làm được điều đó trước hết phải chăm lo các giá trị văn hóa, tinh thần. Đấy chính là nền tảng quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Cũng phải nhắc thêm, trong kỷ nguyên số, thế giới đang nhỏ lại và các doanh nghiệp nhỏ lớn lên. Hội nhập từ ngàn xưa vẫn là việc của doanh nghiệp lớn, nhưng với internet, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, thì chủ thể của thương mại toàn cầu sẽ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh hiện nay, quy mô không còn là yếu tố chính quyết định lợi thế cạnh tranh, mà vấn đề quan trọng nhất là tốc độ. Ở đây, muốn nhắc tới những hộ kinh doanh cá thể, sức sống của nền kinh tế Việt Nam có một phần lớn nằm ở khu vực này, nơi đang nắm giữ hơn 30% GDP. Một nền kinh tế năng động, mới nổi như Việt Nam không thể có vài trăm ngàn doanh nghiệp, mà phải có hàng triệu người kinh doanh. Thực tế, chúng ta đã có hàng triệu người kinh doanh, dù nhỏ lẻ.
Chúng ta đang gọi hộ kinh doanh là khu vực không chính thức, nhưng khu vực này tạo ra tới hơn 30% GDP, trong khi doanh nghiệp chính danh chỉ góp khoảng 8-9% GDP. Mục tiêu là phải chính thức hóa, minh bạch hóa và quốc tế hóa được khu vực này. Muốn vậy, phải cải cách hành chính mạnh mẽ, cải cách chế độ kế toán và chính sách thuế đối với khu vực này, khuyến khích họ đăng ký theo mô hình doanh nghiệp.
Đó là bức tranh đa dạng, sinh động của nền kinh tế Việt Nam. Kinh tế số, kinh tế chia sẻ cho phép chúng ta dám nghĩ, dám nói nhiều hơn về các tỷ phú USD, về giấc mơ sẽ có được những Bill Gate, Mack Zuckerberg hay Jack Ma của Việt Nam…Lịch sử ghi, năm 1909, Bạch Thái Bưởi bước vào lĩnh vực kinh doanh được gọi là “vùng cấm” với người Việt, là kinh doanh vận tải đường sông. Các hãng tàu biển nổi tiếng lúc bấy giờ là của người Pháp và người Hoa, họ đã liên minh với nhau, để “bóp chết” Tàu Bưởi. Khi đứng bên bờ vực phá sản, Cụ Bạch đã nghĩ đến thứ vũ khí mà đối thủ không có trên đất nước Việt Nam, đó là tinh thần dân tộc. Ông cho rằng, mình là người Việt, kinh doanh trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình thì cớ sao đồng bào mình lại không ủng hộ mình? Trong vòng 6 năm, “Tàu Bưởi” đã bắt các đối thủ bỏ cuộc chơi…
Hơn 100 năm trước, Việt Nam đã có “Tàu Bưởi” và bây giờ chúng ta hy vọng “ô tô Vượng” sẽ chiến thắng…Chúng ta tin doanh nhân Việt không thua kém. VinFast và nhiều thương hiệu Việt khác đang đi con đường của Tinh thần Việt và Công nghệ 4.0. Và chúng ta hy vọng “Chương trình Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam” – “Việt Nam Excellence” vừa được phát động sẽ song hành với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là bệ đỡ cho sự bay lên của các thương hiệu Việt.
Trở lại câu chuyện, doanh nghiệp, doanh nhân Việt trong kỷ nguyên số. Rõ ràng, thế giới thay đổi thì chúng ta cũng cần phải thay đổi rất nhiều. Doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ và quản trị trên cơ sở chăm lo các giá trị nền tảng về văn hóa và tinh thần. Nền kinh tế phụ thuộc khai thác tài nguyên sẽ tạo ra cơ chế xin – cho. Khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh bắt buộc sự “đầu tư” cho quan hệ để có thể tiếp cận được nguồn tài nguyên hữu hạn. Nhưng trong nền kinh tế sáng tạo, thì tài nguyên chính là trí tuệ, sự chia sẻ đồng thời cũng là sự cộng hưởng nguồn lực và do vậy chuỗi giá trị “win-win – win” sẽ được kéo dài, không chỉ có việc anh thắng – tôi thắng mà cả xã hội cùng thắng để KHÔNG AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU.
Sáng tạo, chia sẻ và liên kết sẽ là chìa khóa để dẫn tới thành công. Nhưng văn hóa vẫn là ngọn lửa soi đường và doanh nhân Việt chính là người thắp lửa và giữ lửa trong kỷ nguyên số – không thể nào khác được…
TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI