Doanh nghiệp xuất khẩu than khó vì thiếu container rỗng, phụ phí vận chuyển tăng….
Từ đầu tháng 10/2020 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải đối diện với không ít khó khăn do thiếu container rỗng đóng hàng. Tình trạng này buộc các doanh nghiệp phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ cũng như từ chối các đơn hàng mới vì không thể giao hàng theo đúng hợp đồng.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, có đến 60% hàng hóa trên toàn thế giới được vận chuyển bằng đường biển, đóng trong các container với tổng số khoảng 180 triệu vỏ container. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thay vì 60 ngày như trước đây thì thời gian quay vòng trung bình của một container đã tăng vọt lên 100 ngày, dẫn đến tình trạng thiếu container rỗng đóng hàng xuất khẩu trên toàn cầu, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn
Riêng tại Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex cho biết ước tính lượng container rỗng có thể giảm tới 1/3 so với nhu cầu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tình trạng doanh nghiệp bị dời ngày đóng hàng khá nhiều. Bản thân Intimex cũng có tới 1/3 đơn hàng xuất khẩu gạo bị dời sang tháng 1/2021 và cà phê cũng vậy
Không chỉ gặp tình trạng thiếu hụt container rỗng đóng hàng xuất khẩu, theo phản ánh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông thủy sản, kể từ đầu tháng 10/2020 tới nay giá thuê vỏ container còn tăng gấp ba so với thời điểm trước. Điều đáng nói, dù giá thuê tăng vọt song doanh nghiệp vẫn khó có container đóng hàng.
Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết thời gian qua doanh nghiệp của ông nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của các đối tác EU song công ty không dám ký vì lo ngại không giao kịp tiến độ, hậu quả là phải đền hợp đồng. Riêng với những đơn hàng đã ký rồi thì hiện trong tình trạng nằm ngoài cảng chờ đến lượt được bốc hàng lên tàu. Việc phải nằm chờ ở cảng từ ngày này sang ngày khác gây thiệt hại cho doanh nghiệp bởi chi phí bị đội lên từ 5-10% giá trị lô hàng. Đó là chưa kể thời gian vận chuyển lâu hơn bình thường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Nếu tình trạng này cứ kéo dài không có hướng giải quyết sẽ gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.
Khó chồng khó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết từ cuối tháng 10/2020, các doanh nghiệp thủy sản thành viên VASEP nhận được thông báo tăng phụ phí (Rate Restoration) với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường châu Á của một số hãng tàu vận tải container như Wan Hai Lines Ltd., Heung Aline, Interasia, Yaming Shipping Vietnam, Sinokor, Nam Sung Shipping Vietnam…. Mức tăng phổ biến từ 50 – 200 USD/container và chính thức áp dụng kể từ ngày 1/11/2020 – tức chỉ vài ngày sau khi gửi thông báo tới khách hàng. Ngoài tăng phụ phí, một số hãng tàu còn thông báo tăng phụ phí mùa cao điểm (Peak Season Surcharge) từ 150 – 450 USD/container. Vấn đề ở chỗ dù có chấp nhận mức phí cao, các doanh nghiệp vẫn khó để có thể thuê được tàu đóng hàng
Không có container để đóng hàng hoặc có container thì không có tàu chạy, đó là vòng lẩn quẩn mà rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang phải đối mặt. Để tháo gỡ “nút thắt” này, đầu tháng 12/2020, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản gửi các doanh nghiệp vận tải biển về việc thực hiện niêm yết giá theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, Cục Hàng hải yêu cầu các hãng tàu thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển.
Tuy nhiên theo phản ánh của ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP, cho đến thời điểm hiện tại thực trạng trên vẫn chưa được cải thiện. Để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hội viên, một mặt VASEP gửi kiến nghị đến các hãng tàu đề nghị dừng các khoản thu phí bất hợp lý; mặt khác kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét và làm việc với các tàu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Minh Anh