Doanh nghiệp Việt liên kết tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu
Các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sắp tới đều có lợi thế, cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nhờ ưu đãi thuế quan từ nhóm các nước như: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Brunei, Australia, New Zealand…
Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ngày 8/10/2019, tại Hà Nội.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Trung – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác Bộ NN&PTNT cho biết, Chính phủ luôn coi trọng việc tăng cường liên kết, coi đó là giải pháp chính nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị nông sản và có nhiều chính sách hỗ trợ liên kết giữa các nhà (nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – DN). Đến nay, cả nước đã có 2.975 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 1.082 DN.
Đối với các chuỗi nông sản an toàn, trên địa bàn cả nước có 1.254 chuỗi được chứng nhận với 1.452 sản phẩm. Cả nước có 3.172 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có 469 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu; số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ; hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, DN đầu mối còn phổ biến. Điều này cũng gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi…
Để nâng cao giá trị chuỗi gia tăng cho chuỗi giá trị nông sản Việt Nam trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đưa ra một số giải pháp. Cụ thể là:
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về liên kết gắn với sản xuất, về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản và các quy chuẩn tiêu chuẩn, thông tin về thị trường (giá cả, dự báo thị trường…);
Tăng cường áp dụng các quy chuẩn tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu;
Đồng thời, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đăng ký và bảo hộ thương hiệu; tổ chức đưa DN phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, DN chế biến, xuất khẩu… xuống trực tiếp các vùng sản xuất để hướng dẫn cho HTX, hộ nông dân phương thức bảo quản, thu mua, sơ chế, đóng gói, tem, nhãn mác…để dễ đưa vào kênh tiêu thụ;
Cùng với đó, đào tạo tập huấn tăng cường năng lực cho các DN, HTX hộ nông dân thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, kiến thức về hội nhập quốc tế…
Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn, đứng thứ 15 trên thế giới, đồng thời các mặt hàng nông sản đã có mặt tới gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có nhiều sản phẩm đặc trưng như: cà phê, điều, hồ tiêu, chè, gạo…Tuy nhiên, trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nông sản của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô. Khi bán ra thị trường thế giới có đến 80% hàng nông sản Việt Nam thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đồng nghĩa với việc Việt Nam mới tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Tại hội thảo, các chuyên gia của các tổ chức nước ngoài cũng cho rằng, khâu yếu của chuỗi sản xuất nông sản Việt Nam là thiếu tính liên kết, công nghệ sản xuất và chế biến còn hạn chế, hơn nữa sự liên kết giữa các DN để nâng cao giá trị nông sản còn thấp.
Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Park Hyang Jin – Tổng Giám đốc Công ty Dreamfarm (Hàn Quốc) cho rằng, DN Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo toàn bộ quy trình được kiểm soát đúng quy chuẩn. Như vậy, các DN mới góp phần nâng cao giá trị nông sản và tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Thu Hương