Doanh nghiệp Việt không nên lo lắng khi Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ
Chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam không nên quá lo lắng trước việc Bộ Tài chính Mỹ xem Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ, bởi đây mới chỉ là cáo buộc ban đầu, chưa phải phán quyết cuối cùng.
Thao túng tiền tệ là hành động cố tình phá giá nội tệ để hàng hoá sản xuất ở nước mình rẻ hơn so với nước ngoài nhằm đạt lợi thế không công bằng trong quan hệ thương mại.
Trong Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, Mỹ cáo buộc đối tác thương mại Việt Nam can thiệp một cách không công bằng vào thị trường hối đoái. Đồng thời, báo cáo này cũng cho rằng Việt Nam đáp ứng ba tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.
Cụ thể, các tiêu chí này được lượng hóa gồm: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Tuy nhiên, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ – ASEAN cho rằng, việc Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ mới chỉ là những thông tin ban đầu. Chính quyền quốc gia này sẽ phải cân nhắc rất nhiều yếu tố trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng. Và nhiều khả năng, Việt Nam có thể sẽ không bị quy kết là thao túng tiền tệ.
Các chuyên gia chỉ ra việc điều tra theo section 301, trong đó có quy kết thao túng tiền tệ, là một công cụ lạc hậu, kém hiệu quả trong “kho tàng” các công cụ pháp lý của Mỹ (cả đơn phương và trong các cơ chế đa phương như WTO) để xử lý các tranh chấp thương mại. Chính vì thế mà nó chưa bao giờ được sử dụng. Chỉ đến khi ông Donald Trump lên nắm quyền Tổng thống, các chuyên gia pháp lý của ông mới đưa công cụ này ra “phủi bụi” và mài dũa làm vũ khí chính để “đánh” các đối tác của mình.
Hiện có hai cơ quan có quyền quy kết một đối tác thương mại của Mỹ là thao túng tiền tệ là Bộ Tài chính và Đại diện Thương mại (USTR).
Trong khi đó, việc Bộ Tài chính quy kết một đối tác là thao túng tiền tệ như hành động với Việt Nam vừa qua không tự động đi kèm các biện pháp trừng phạt nào. Đây chỉ là một cơ sở pháp lý quan trọng (nhưng không phải duy nhất) để Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại khởi động một cuộc điều tra về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của đối tác bị quy kết.
Đơn cử như trong trường hợp của Việt Nam, tháng 8 năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ đã kết luận rằng Việt Nam đã can thiệp phá giá tiền đồng dẫn đến lợi thế không công bằng của mặt hàng lốp xe hạng nhẹ sản xuất ở Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ.
Trên cơ sở này, Bộ Thương mại đã tiến hành điều tra và ngày 4/11 đã có kết luận sơ bộ khẳng định vi phạm. Đi kèm với kết luận sơ bộ này là lệnh của Bộ Thương mại yêu cầu hải quan và biên phòng thu tiền ký quỹ từ các đơn vị nhập khẩu với tỉ lệ từ 6,23 – 10,08% tổng giá trị đơn hàng.
Cuộc điều tra này vẫn đang tiếp diễn và Bộ Thương mại dự kiến đưa ra kết luận cuối cùng vào giữa tháng 3/2021. Nếu kết luận cuối cùng vẫn là vi phạm thì vụ việc sẽ được đưa lên Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ xem xét.
Nếu tổ chức này ra phán quyết (dự kiến vào cuối tháng 4/2021) khẳng định vi phạm thì Bộ Thương mại sẽ chính thức áp thuế chống trợ cấp lên hàng hoá nhập khẩu sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, kết luận thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính hồi tháng 8 cũng là cơ sở để Đại diện Thương mại công bố cuộc điều tra thao túng tiền tệ với Việt Nam theo điều 301 Luật Thương mại 1974 (Bộ Tài chính không dùng luật này để điều tra thao túng tiền tệ). Phiên điều trần công khai về vấn đề này sẽ diễn ra ngày 29/12/2020 theo hình thức trực tuyến. Sau đó, Đại diện Thương mại tiếp tục nhận các ý kiến tham gia bằng văn bản đến ngày 7/1/2021.
Song song với cuộc điều tra nói trên, Đại diện Thương mại cũng đồng thời tiến hành cuộc điều tra về việc nhập khẩu và sử dụng gỗ bất hợp pháp của Việt Nam với phiên điều trần công khai vào 28/12/2020 và hạn chót nhận ý kiến tham gia vào 6/1/2021.
Thông thường, sẽ phải mất vài tuần sau hạn chót này Đại diện Thương mại mới ra kết luận. Nếu kết luận là vi phạm thì có nhiều lựa chọn để buộc Việt Nam phải điều chỉnh chính sách nhằm loại bỏ lợi thế không công bằng của hàng hoá do chính sách can thiệp tiền tệ tạo ra.
Tuy nhiên, lựa chọn ưa thích của chính quyền Tổng thống Trump là áp thuế nhập khẩu trừng phạt như đã làm với Trung Quốc. Việc tăng thuế nhập khẩu mang tính trừng phạt này có thể lên tới 25% và áp cho bất kỳ ngành hàng nào.
Theo ông Thành, tuần vừa qua có một số tin đồn rằng Đại diện Thương mại sẽ làm theo “quy trình rút gọn” để ra phán quyết và sớm áp tăng thuế nhập khẩu trừng phạt. Tin đồn này dường như được củng cố bởi quy kết thao túng tiền tệ mà Bộ Tài chính công bố cho Việt Nam và Thuỵ Sỹ và trong báo cáo bán niên gửi Quốc hội cùng ngày. Song, những người có thẩm quyền trong Chính phủ Mỹ phủ nhận những tin đồn nói trên.
Ông Thành nhìn nhận, việc Bộ Tài chính công bố cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ hôm 16/12 vừa rồi có thể do họ đằng nào cũng phải nộp báo cáo bán năm cho Quốc hội mà năm nay do Covid-19 nên chỉ nộp được duy nhất một báo cáo trước khi hết năm. Việc công bố này rất có thể độc lập với tiến trình điều tra của Đại diện Thương mại.
Ngoài ra, mục đích cuối cùng của Mỹ vẫn là giảm thâm hụt thương mại trong trước mắt và hướng tới cân bằng hoặc thặng dư thương mại về lâu dài với Việt Nam. Do đó, nếu có những biện pháp khác hiệu quả hơn tăng thuế nhập khẩu, ví dụ Việt Nam ký vài hợp đồng phát triển điện khí với Mỹ hay ban hành chính sách nhập nhiều nông sản Mỹ hơn để đạt được mục tiêu cuối cùng này thì chính quyền Trump có thể sẽ không áp thuế nhập khẩu trừng phạt.
Mặt khác, khác với các vụ điều tra chống bán phá giá hay chống trợ cấp như vụ lốp xe nói trên của Bộ Thương mại, vụ điều tra về gỗ bất hợp pháp và thao túng tiền tệ đối với Việt Nam hoàn toàn không có nguyên đơn từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Mỹ là bị hại.
Hầu như tất cả các ý kiến tham gia điều trần của cả Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ trong hai vụ việc trên đều cho rằng Việt Nam không vi phạm, đồng thời nêu ra những hệ lụy tiêu cực cho doanh nghiệp Mỹ nếu chính phủ nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt lên hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam.
Vì thế, ông Thành nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam không nên quá lo lắng trước những cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ.
Về vấn đề này, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định, chính sách quản lý tiền tệ của Việt Nam chỉ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, chứ không nhằm tạo ra lợi thế không công bằng trong thương mại quốc tế.
Cùng với đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng ra tuyên bố, Việt Nam duy trì đối thoại và tham vấn trên tinh thần xây dựng với phía Hoa Kỳ để xử lý các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương theo hướng bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên.
Thùy Trang