Doanh nghiệp Việt có còn chỗ cạnh tranh trong khu vực ASEAN
ASEAN là thị trường tiềm năng với gần 700 triệu dân, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chủ yếu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dư địa cho doanh nghiệp Việt rất lớn, song vấn đề chính sách của Nhà nước, tư duy của doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường này như thế nào mới là câu hỏi quan trọng cần đặt ra.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN năm 2020 ước đạt 23,6 tỷ USD, còn tốc độ tăng trưởng bình quân trong cả giai đoạn 2016-2020 chỉ tăng thấp ở mức 5,26%. Nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực ASEAN trong năm 2020 ước đạt 32,2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân giai đoạn 2016-2020 ước tăng 5,55%. Cán cân thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với ASEAN thường xuyên trong tình trạng nhập siêu nghiêng về phía Việt Nam với mức nhập siêu trong năm 2020 là 8,6 tỷ USD.
Lý giải tình trạng này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế TƯ cho rằng, môi trường kinh doanh rất quan trọng với doanh nghiệp. Vì cùng một chất lượng sản phẩm dịch vụ, sản xuất vật chất như nhau, môi trường kinh doanh sẽ đội giá do những chi phí không chính thức buộc doanh nghiệp phải trả.
Trong xuất nhập khẩu, một container xuất đi hoặc nhập về của Việt Nam chi phí cao thứ 3 trong khu vực (sau Thái Lan, Malaysia). Quyền tài sản, về mặt chính sách Việt Nam dường như thấp nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng chỉ ra, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nếu nhìn ở yếu tố quản trị vẫn thấp, chỉ ở mức độ bảo vệ nhà đầu tư.
Kỹ năng định hướng khách hàng của doanh nghiệp Việt xếp thứ 113/137 quốc gia, tính marketing, định hướng thị trường hạn chế. Năng lực áp dụng và khả năng hấp thụ công nghệ xếp thứ 112. Chất lượng của các nhà cung cấp trong nước xếp thứ 115. Doanh nghiệp Việt xếp thấp trong sáng tạo ra sản phẩm mới để gia nhập thị trường. Chính những yếu kém cố hữu khiến cán cân thương mại của Việt Nam luôn thâm hụt với hầu hết các quốc gia trong ASEAN (trừ Campuchia).
Điều đáng quan ngại, theo ông Hiếu, nếu so sánh 10 mặt hàng phổ biến giống nhau, các mặt hàng mà chúng ta xuất khẩu chủ yếu gồm điện thoại các loại và linh kiện, sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng dệt may, gạo. Trong khi đó, chúng ta cũng nhập nhiều hơn là hàng rau quả, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc và hàng điện gia dụng và linh kiện; xăng dầu các loại, sản phẩm khác từ dầu mỏ, cao su, chất dẻo nguyên liệu, giấy các loại, ôtô nguyên chiếc các loại và linh kiện, phụ tùng ôtô.
Cùng chung nhận xét trên, ông Nguyễn Hồng Long, Phó ban, Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ thừa nhận, để hỗ trợ xuất khẩu vào khu vực ASEAN, đã có rất nhiều văn bản quy định về cơ chế chính sách phục vụ xuất khẩu như giảm thuế, thương mại, đầu tư… Kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, nhất là hạ tầng phát triển kinh tế và xuất nhập khẩu. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đặc biệt trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trình độ quản lý là 55% có trình độ từ trung cấp trở xuống, 43% từ phổ thông trung học và sơ cấp trở xuống. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương chưa thực sự hiệu quả, dẫn tới những lúng túng trong chính sách và xử lý các vấn đề phát sinh.
Hơn nữa, các doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được vai trò đầu tàu trong chuyển dịch kinh tế, đổi mới và phát triển công nghệ dù được nhiều ưu đãi nhưng chưa tương xứng với mong muốn của Chính phủ. Khu vực tư nhân đã phát triển nhưng quy mô nhỏ, năng lực tài chính công nghệ hạn chế.
Doanh nghiệp lớn ở Việt Nam có số vốn là 200 triệu USD, trong khi doanh nghiệp lớn của Thái Lan là 835 triệu USD, Indonesia là 800 triệu USD, Singapore là 1,07 tỷ USD… Như vậy, doanh nghiệp lớn Việt Nam mới bằng 1/3 họ. Mặt khác, tiềm lực doanh nghiệp của chúng ta còn rất hạn chế. Thiếu gắn kết giữa các ngành và địa phương, dẫn tới nhiều doanh nghiệp sản xuất nông sản gặp tình trạng giảm sút, nợ tăng cao, dẫn tới phá sản hoặc chuyển hướng xuất khẩu.
Một nông dân muốn trồng thanh long để xuất khẩu cần tìm tài liệu hướng dẫn trồng ở đâu là tốt nhất cho thanh long, diện tích thế nào, ở đâu có nhu cầu tiêu dùng thanh long. Song, khi lên cổng thông tin của các bộ ngành liên quan lại không có.
Dẫn ra dẫn chứng này, các chuyên gia muốn truyền đi một thông điệp rằng: Nhà nước phải làm bà đỡ cho doanh nghiệp chứ không phải làm thay doanh nghiệp. Nhà nước cần tạo ra cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện tốt nhất vai trò của mình.
“Đừng để doanh nghiệp Việt thua ngay trên sân nhà. Nhà nước cần có chính sách thiết thực hơn. Cần xử lý linh hoạt và kịp thời hơn trong khi thị trường thế giới biến động liên tục”, ông Long kiến nghị.
Để tận dụng được cơ hội và khai thác hiệu quả thị trường ASEAN, ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN cho rằng, vấn đề chính sách của Nhà nước hay hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp Việt Nam có nhận biết được vận hội vàng để đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng sản phẩm là điều nhiều doanh nghiệp băn khoăn, mong muốn. Vì thế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp để chiếm lĩnh dư địa còn bỏ ngỏ trên thị trường ASEAN.
Từ năm 2015 khi Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời chưa có sự đột biến về thương mại. Tỷ trọng thương mại nội khối giữa các nước ASEAN trên tổng kim ngạch thương mại với thế giới vẫn ở mức ổn định khoảng 23%. Bởi cắt giảm thuế quan đã được doanh nghiệp khai thác khá triệt để, trên 5.000 các rào cản phi thuế mà các nước áp dụng với nhau ở nhiều hình thức.
Hơn nữa, mặc dù hình thành thị trường chung nhưng mỗi nước vẫn duy trì chính sách thương mại riêng với từng đối tác. Ban thư ký ASEAN chưa có tiếng nói chung đại diện trong khi ASEAN cần có sức mạnh nội khối. Giải pháp ông Long đưa ra, trong thời gian tới khi hàng hóa VN vào ASEAN muốn cạnh tranh được phải quan tâm về chất lượng, giá cả và nguồn cung. Sản phẩm của chúng ta luôn có xu hướng ban đầu chất lượng rất tốt nhưng kém dần. Sản phẩm có thời vụ dẫn tới không ổn định. Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, theo ông Long là thông tin.
Riêng ông Hiếu lại tỏ ra băn khoăn về giải pháp. “Thách thức lớn nhưng cơ hội rất ít. Chúng ta cạnh tranh ngay trên sân nhà và với các sản phẩm tiêu dùng thông thường và chúng ta đang thất bại”, ông Hiếu nêu quan điểm. Nếu đặt trên bàn các sản phẩm Made in Thai Lan, Malaysia, Singapore, Vietnam thì tâm lý người tiêu dùng trong nước sẽ chọn sản phẩm nước ngoài hơn là của Việt Nam. Đây là bài toán thị trường sòng phẳng. Thực tế đã chứng minh điều đó.
Vậy hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt? Ông Hiếu cho rằng, trước hết Chính phủ cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vì đó là chi phí, là tiền. Nếu không giảm được sự “đắt đỏ” của môi trường đầu tư kinh doanh thì chúng ta không thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nếu không cơ hội chỉ mãi mãi là cơ hội.
Còn theo ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương, cần “bán anh em xa mua láng giềng gần”, giữ được thị trường láng giềng, phù hợp với năng lực cạnh tranh trước khi phát triển ra các thị trường xa xôi khác. Tỷ trọng thương mại Việt Nam so với thế giới có giảm trong năm qua nhưng không nên bỏ hay lơ là thị trường ASEAN. Rào cản với doanh nghiệp Việt Nam xuất phát từ các rào cản phòng vệ thương mại, chống bán phá giá và các hàng rào kỹ thuật.
Huy An