Doanh nghiệp vay tiền để thưởng tết cho người lao động
Năm 2020, dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song hầu hết doanh nghiệp đều cố gắng nỗ lực xoay xở, thậm chí đi vay mượn để thưởng cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Trong buổi đối thoại định kỳ giữa doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) được tổ chức mới đây, ông Tân Việt Nam – Trưởng Phòng Nhân sự, Công ty Việt Nam Samho (chuyên gia công các loại giày thể thao xuất khẩu, có khoảng 10.000 lao động, ở huyện Củ Chi, TPHCM) – đã thay mặt ban giám đốc Công ty thông báo rằng, Công ty sẽ thưởng tháng lương 13 cho NLĐ. Để có mức thưởng này, quả thực là một sự nỗ lực của Công ty.
Ông Nguyễn Thanh An – Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty Việt Nam Samho – cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên có nhiều thời điểm, Công ty phải cho NLĐ luân phiên thay nhau ngừng việc, thậm chí có thời điểm phải cho NLĐ nghỉ việc không hưởng lương. “Chính vì thế, khi Công ty quyết định thưởng Tết cho NLĐ mỗi người một tháng lương, tôi nghĩ rằng Công ty đã rất cố gắng và NLĐ hài lòng với mức thưởng này” – ông Nguyễn Thanh An nói.
Còn chị Nguyễn Thị Thu Hương – Bộ phận Plant 2, Công ty Việt Nam Samho – phấn khởi nói: “Thật sự, tôi rất mừng khi biết Công ty sẽ thưởng mỗi người một tháng lương vì chúng tôi biết năm 2020, Công ty rất khó khăn. Tôi nghĩ như thế cũng là tốt rồi vì nhiều bạn bè làm ở những nơi khác cũng còn rất khổ, chưa biết có được thưởng Tết hay không”.
Ông Phan Công Minh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Hưng (chuyên may đồ xuất khẩu ở quận 12, TP.HCM) cho hay, năm nay là một năm rất khó khăn với các doanh nghiệp chuyên gia công hàng hóa xuất khẩu đi Châu Âu, Mỹ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do khó khăn thị trường, nhiều khách hàng truyền thống của Công ty nhiều năm qua phải giảm, giãn đơn hàng dẫn đến Công ty cũng phải giãn cách việc làm của NLĐ. Để khắc phục khó khăn, bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ, Công ty phải nhận đơn hàng về gia công lại, nên giá gia công giảm, dẫn đến doanh thu của Công ty giảm, thậm chí là lỗ, trong lúc vẫn phải bảo đảm đời sống cho gần 1.000 NLĐ.
“Hội đồng quản trị của Công ty sẽ họp và quyết định mức thưởng cụ thể tới đây, nhưng tinh thần là vẫn thưởng Tết cho mỗi NLĐ một tháng lương. Nói gì thì nói, NLĐ đi làm quanh năm chỉ trông chờ đồng lương, thưởng Tết để sum họp cùng gia đình nên dù rất khó khăn, Công ty vẫn phải đi vay tiền của Công ty mẹ thưởng cho Công nhân, chứ không thể không thưởng hay thưởng bằng hiện vật được” – ông Minh chia sẻ.
TÌM MỌI CÁCH ĐỂ ĐẢM BẢO MỌI NLĐ ĐỀU CÓ THƯỞNG TẾT
Ông Lương Ngọc Hồi – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền (KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) – nói rằng, Công ty có gần 2.000 công nhân lao động. Sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thời gian qua, Công ty đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động sản xuất để kịp các đơn hàng xuất khẩu đi các nước.
Theo ông Hồi, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, đời sống của NLĐ gặp nhiều khó khăn. Do đó để chia sẻ với NLĐ, doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để đảm bảo mọi NLĐ đều được thưởng Tết. Ngoài ra, Ban Giám đốc sẽ cùng với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty tặng thêm nhiều phần quà, tạo thêm các sân chơi cho NLĐ để họ có cái Tết tươm tất nhất về cả vật chất và tinh thần. “Hiện chúng tôi chưa thống nhất mức thưởng Tết cho NLĐ nhưng tinh thần chung là sẽ có thưởng và NLĐ được thưởng ít nhất từ 1 tháng lương trở lên” – ông Hồi cho biết.
Năm 2020, dù gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương vẫn cố gắng thu xếp để chi lương tháng 13 và thưởng Tết cho NLĐ. Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đến hết tháng 12.2020, có 1.446 doanh nghiệp (251.000 lao động) đã có báo cáo về lương và thưởng. Ở các doanh nghiệp này, tiền lương trả cho NLĐ cao nhất bình quân là 8,3 triệu/tháng, thấp nhất là 4,2 triệu/tháng. Đối với thưởng Tết Âm lịch, mức thưởng bình quân là 7,6 triệu đồng, thấp nhất là 4,2 triệu đồng và cao nhất là 497 triệu đồng/người.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – đại diện nhà máy Công ty TNHH Chí Hùng đóng trên địa bàn thị xã Tân Uyên, Bình Dương – chia sẻ, năm 2020, công ty gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, tuy nhiên lãnh đạo Công ty vẫn cố gắng sắp xếp để chi trả lương và thưởng cho NLĐ bằng với năm trước. Đây là sự quan tâm của lãnh đạo công ty với công nhân trong dịp Tết.
Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam có 7.000 công nhân lao động tại Bình Dương, năm 2020 cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng công ty vẫn quyết định chi thưởng và tăng lương cho NLĐ. Theo bà Phạm Thị Tuyết Nhung – Chủ tịch CĐCS Công ty, để chi thưởng và tăng lương cho NLĐ như những năm trước, Công ty đã phải cắt giảm chi phí chung và cắt giảm những khoản chi không cần thiết. Từ khoản tiết kiệm này, Công ty có nguồn kinh phí để chăm lo Tết cho NLĐ. Năm 2021, Công ty giữ nguyên mức thưởng 0,5 tháng lương và tăng lương khoảng 4% cho NLĐ.
Hương Giang