Doanh nghiệp thương mại than khó tiếp cận gói vay ưu đãi

Thị trường hàng hóa những tháng cuối năm kỳ vọng sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ khi mà nhu cầu chi tiêu bị dồn nén suốt thời gian qua đã bật tăng trở lại. Tuy nhiên mùa cao điểm mua sắm cuối năm  cũng chính là thời điểm mà doanh nghiệp thương mại “khát” vốn nhất…

Xưởng làm việc áp dụng “3 tại chỗ” của nhà máy chế biến điều, thuộc chi nhánh Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An. Ảnh: Hoàng Nam

Có thể thấy những tháng cuối năm, tăng trưởng thương mại chủ yếu tập trung vào kênh bán hàng trực tuyến và những nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh, lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, ngành hàng phục vụ nhu cầu học tập – làm việc trực tuyến.

Theo Savills Việt Nam, quý IV với nhiều lễ hội sẽ là thời điểm mà mức chi tiêu, mua sắm của người dân bùng nổ mạnh mẽ, mang lại cơ hội tăng trưởng cho các ngành thương mại bán lẻ sau chuỗi ngày lao đao vì dịch bệnh. Tuy nhiên yêu cầu đặt ra lúc này các doanh nghiệp này cần có những chiến lược kinh doanh dài hơi và hiệu quả, qua đó đón đầu và tận dụng tốt mọi cơ hội có được.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, thời gian qua các ngân hàng thương mại cũng đã đưa ra một loạt các chương trình hỗ trợ, ưu đãi lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nhằm đón mùa cao điểm kinh doanh cuối năm. Nhiều ngân hàng thương mại còn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới room tín dụng, mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Ðiều này cũng đồng nghĩa dòng vốn rẻ đã sẵn sàng để phục vụ sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm song doanh nghiệp có tiếp cận được hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Ông Thế Bình – chủ một doanh nghiệp phân phối sản phẩm thủy hải sản sau chế biến tại Nha Trang cho biết thời điểm cuối năm doanh nghiệp ông cần gấp đôi nguồn vốn để phục vụ nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. “Trong 3 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng lượng hàng xuất đi có thể tăng lên vài trăm tấn và đó là lý do mà doanh nghiệp rất cần nguồn vốn lưu động ngắn hạn để mua sắm thêm máy móc, nguyên phụ liệu, chuẩn bị cho đầu ra sản phẩm. Trên thực tế doanh nghiệp của tôi mới chỉ chủ động được khoảng 50% vốn và từ đợt cuối quý III tới giờ cần vay thêm khoảng vài chục tỷ đồng trang trải chi phí sản xuất” – ông Bình chia sẻ.

Cũng gặp khó trong vấn đề vay vốn ngân hàng, bà Mai Ánh Nguyệt – chủ một công ty phân phối bánh pía Sóc Trăng cho biết mặc dù doanh nghiệp của bà rất cần vốn để sản xuất vụ cuối năm song lại rất khó tiếp cận gói vay ưu đãi do phía ngân hàng đưa ra quá nhiều điều kiện như: yêu cầu chứng minh dòng tiền, phương án kinh doanh khả thi… Một vấn đề khác là mức lãi suất ưu đãi ban đầu chỉ áp dụng trong vài tháng, sau đó sẽ điều chỉnh dựa trên lãi suất tham chiếu cộng và điều chỉnh định kỳ, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể gánh mức lãi suất lên tới hơn 9% một năm. “Mặc dù đã lường trước mọi khó khăn và có kế hoạch tiếp cận vốn từ quý III nhưng đến nay tôi vẫn chưa tìm được lời giải phù hợp cho các mùa cao điểm tiếp theo” – bà Nguyệt buồn bã cho hay.

Đồng quan điểm, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Tp.HCM cho biết mặc dù hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc, lãi của khoản nợ, miễn giảm lãi, phí… nhưng trên thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp. Rào cản lớn nhất để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay là không đủ điều kiện về tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn tín dụng bình thường của ngân hàng để vay vốn trong thời điểm thị trường, sản xuất khó khăn hiện nay. Trong khi đó, mức giảm lãi suất còn thấp cũng là rào cản đối với doanh nghiệp

Thành Nam