Doanh nghiệp Singapore’kiếm tiền’ từ thượng đỉnh Mỹ Triều như thế nào?
Bỏ ra hơn 12 triệu USD tổ chức, giá trị quảng bá Singapore nhận lại từ cuộc gặp Trump – Kim lên tới 565 triệu USD. Doanh thu nhiều khách sạn tăng 2 chữ số trong 3 ngày hội nghị.
Khách sạn Capella nơi ông Trump và ông Kim gặp nhau được nhắc đến trên khoảng 20.000 bài báo. Ảnh: AFP/Getty.
Tháng 6/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có cuộc gặp lịch sử lần đầu tiên tại Singapore. Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Singapore, quốc gia này đã tiêu tốn hơn 12 triệu USD để tổ chức hội nghị lịch sử trên và phần lớn chi phí này dành cho công tác đảm bảo an ninh.
Tuy nhiên, theo công ty phân tích truyền thông Meltwater, giá trị quảng bá mà đảo quốc Sư tử nhận lại từ hội nghị Trump – Kim lên tới hơn 565 triệu USD. Còn theo ước tính của Tiến sĩ Michael Chiam, Phó Giám đốc Ngee Ann Polytechnic, với mức chi tiêu trung bình khoảng hơn 440 USD/ngày, riêng 4.000 phóng viên và nhân viên an ninh đến Singapore trong 3 ngày hội nghị đem lại cho đảo quốc này ít nhất 5,3 triệu USD.
Dịch vụ ẩm thực ăn theo Trump – Kim
Các ông chủ nhà hàng tại Singapore là những người nhạy nhất trong việc tận dụng hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim. Từ trước khi cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước diễn ra, nhiều nhà hàng đã giới thiệu những món ăn thú vị liên quan đến sự kiện.
Một nhà hàng Mexico ở đảo quốc Sư tử đưa vào menu một loại bánh taco (đặc sản của Mexico) làm từ thịt bò, phô mai và dưa chuột muối chua có tên El Trumpo, đặt tên theo Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà hàng nãy cũng không quên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi ra mắt một loại bánh taco khác gồm có gà rán, bắp cải đỏ và tương ớt Hàn Quốc và đặt tên nó là Rocket Man – “Người tên lửa”. Đây là biệt danh mà ông Trump từng đặt cho ông Kim.
Món bánh Taco Rocket Man và El Trumpo. Ảnh: CNBC.
Will Leonard, quản lý nhà hàng này chia sẻ với CNBC số lượng khách ghé thăm nhà hàng tăng thêm 20% nhờ vào hai loại bánh taco đặc biệt trên. “Số lượng bánh taco El Trumpo và Rocket Man đều được bán sạch mỗi ngày”, Leonard cho biết.
Trong khi đó, ông chủ Zach Wen của một quán ăn ở Singapore lại tạo ra phiên bản đặc biệt từ món cơm truyền thống Nasi Lemak của nước này khi bổ sung thêm những nguyên liệu truyền thống của Mỹ và Hàn Quốc. Cụ thể, Zach Wen thay thịt gà chiên của Singapore bằng thịt bò Mỹ và dùng kimchi của Triều Tiên thay cho các loại dưa thông thường. Món cơm đặc biệt này được đặt tên là “Nasi Lemak hòa hợp”.
Biển quảng cáo món cơm Nasi Lemak đặc biệt liên quan đến hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều. Ảnh: CNBC.
Ngoài những món ăn bản địa đặc biệt, biến tấu món ăn phổ biến của người Mỹ, bánh burger, bằng cách thêm vào những thành phần xuất xứ từ Hàn Quốc như thịt bò bulgogi, kimchi, bắp cải là một lựa chọn phổ biến của nhiều nhà hàng phục vụ thức ăn nhanh tại Singapore trong thời điểm diễn ra cuộc gặp Trump – Kim.
Không chịu kém cạnh, các quán bar cũng rất nhạy bén trong việc giới thiệu những đồ uống mới lấy cảm hứng từ tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên.
Một quán rượu ở khu vực trung tâm Singapore ra mắt hai loại cocktail có tên “Trump” được pha bằng rượu whiskey bourbon của Mỹ và “Kim” dùng rượu soju của Hàn Quốc. Stan Ganesh, quản lý quán bar, đưa ra mức giá 12,6 SGD cho món cocktail này để đánh dấu ngày 12/6/2018, thời điểm diễn ra hội nghị Mỹ – Triều.
Một loại cocktail đặc biệt lấy cảm hứng từ ông Trump và ông Kim. Ảnh: Empire Sky Lounge.
Nhiều nơi khác cũng bán các loại đồ uống mới được pha chế theo cách tương tự. Một quán bar còn đặt tên cho loại cocktail được pha từ Coca Cola, rượu tequila, bia Asahi và rượu soju của mình là “The Bromance” hay “những người anh em thân thiết”. Khách hàng khi mua loại đồ uống này còn được tặng thêm nhãn dán in hình Trump – Kim và biểu tượng hòa bình.
Du lịch nhận lại giá trị khổng lồ
Theo công ty nghiên cứu thị trường STR Global, tỷ lệ kín phòng của các khách sạn tại Singapore lên tới 81% trong quý II/2018. Đây là mức cao kỷ lục kể từ năm 2013 và vượt xa mức trung bình 70% tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Kết quả này càng ấn tượng khi biết rằng nguồn cung phòng khách sạn tại Singapore cũng tăng lên trong thời điểm này.
Về chỉ số doanh thu trên mỗi phòng khách sạn, tháng 6 chính là thời điểm ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất của ngành khách sạn Singapore trong quý II/2018 với mức tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các khách sạn ở Orchard Road thậm chí có doanh thu trên mỗi phòng tăng hai chữ số trong 3 ngày từ 10-12/6/2018, thời điểm hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều có mặt tại Singapore. Cả hai khách sạn mà ông Trump và ông Kim lần lượt nghỉ lại ở Singapore là Shangri-La và St Regis đều nằm gần khu vực này.
Ngoài lợi nhuận, hai khách sạn trên còn nhận được sự quảng bá miễn phí nhờ vào việc truyền thông quốc tế liên tục đưa tin về hội nghị. Theo Meltwater, có khoảng 8.000 bài báo điện tử nhắc tên hai khách sạn Shangri-La và St Regis. Với khách sạn Capella, nơi ông Trump và ông Kim gặp nhau ngày 12/6/2018, con số này lên tới 20.000. Hiệu ứng tích cực từ cuộc gặp lịch sử Trump – Kim không chỉ kéo dài trong vỏn vẹn vài ngày diễn ra hội nghị mà còn giúp du lịch Singapore thu lợi trong suốt năm 2018.
Tin tức về Hội nghị Thượng đỉnh Trump – Kim đã thu hút khoảng 2,36 tỷ lượt xem. Tính riêng ở Mỹ, từ khóa “Singapore ở đâu” được tìm kiếm hơn 2 triệu lượt chỉ trong một ngày trước khi hội nghị bắt đầu.
Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch Singapore (STB) Keith Tan chia sẻ với Straits Times, Hội nghị Mỹ – Triều và một số sự kiện lớn khác đã mang lại giá trị khổng lồ về quảng bá hình ảnh cho du lịch Singapore năm qua.
Theo số liệu công bố ngày 13/2 của STB, số lượt khách du lịch đến Singapore năm 2018 đạt 18,5 triệu, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ khách du lịch tại đảo quốc Sư tử năm 2018 cán mốc 20 tỷ USD, tăng 1% so với 2017.
Minh Đường