Doanh nghiệp nhỏ và vừa “khát” vốn
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm trên 90% tổng số DN cả nước. Tuy nhiên trong nhiều năm qua vốn cho đối tượng doanh nghiệp này vẫn luôn là “nút thắt” khó gỡ khi có rất ít DNNVV tiếp cận được vốn tín dụng từ ngân hàng.

Doanh nghiệp than khó tiếp cận
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 16/6/2020 tăng trưởng tín dụng đạt 2,13%, thấp xa so với 5,7% cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, cho vay các DNNVV giảm 0,7%. Tăng trưởng tín dụng giảm đồng nghĩa với các DNNVV không thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.
Nhiều DNNVV trên cả nước cho hay có nhu cầu về vốn, muốn vay từ ngân hàng nhưng không được. Chia sẻ từ thực tế DN mình, ông Bùi Ngọc Tường – Tập đoàn Đầu tư nước sạch và Môi trường Hùng Thành (Hà Nội) cho biết Công ty ông hiện đang quản lý 22 nhà máy nước sạch trên khắp cả nước, thuộc nhóm DNNVV, tức thuộc nhóm DN được ưu tiên. DN ông cũng chưa từng có nợ xấu, nợ quá hạn tại các ngân hàng song để được vay thêm vốn khôi phục và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh là điều không thể. “Ngân hàng đòi hỏi chúng tôi phải có tài sản thế chấp và không chấp nhận thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai. Chính quy định này đã trở thành rào cản khiến Hùng Thành khó tiếp cận vốn vay” – ông Tường nhấn mạnh.
Còn theo ông Dương Văn Dân – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bigsun Việt Nam, DNNVV thiếu kinh nghiệm quản trị, thiếu tài sản bảo đảm và 90% gặp vấn đề về vốn. Đây chính là những nguyên nhân khiến đối tượng DN này khó tiếp cận nguồn vốn. “Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, liệu ngân hàng có giải pháp gì để giãn nợ và nới lỏng điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho DNNVV?” – ông Dân đặt nghi vấn.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Văn Sơn – Tổng Giám đốc Công ty CP Ngôi Sao Biển Sài Gòn cho biết hầu như DN nào cũng có nhu cầu vay vốn. Đặc biệt trong bối cảnh chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19 gây ra, dòng tiền cạn kiệt thì nhu cầu vốn để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên nếu DN không phải là khách hàng thân quen sẽ rất khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Vì vậy, chuyện vay được tiền với lãi suất thấp hiếm khi xảy ra với nhiều DN.
Cần các gói hỗ trợ lãi suất thấp
Theo ông Lâm Đại Vinh – Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh (Tp.HCM), mặc dù thời gian qua doanh thu sụt giảm, phải cắt giảm nhân sự nhưng hiện tại doanh nghiệp vẫn phải trả lãi vay trung dài hạn bình quân 10 – 11%/năm; mỗi tháng vẫn đóng bảo hiểm xã hội khoảng 100 triệu đồng… Một số ngân hàng cho biết muốn hưởng lãi suất thấp hơn buộc Lâm Vinh phải vay mới song tài sản của công ty đã cầm cố cho những khoản vay cũ nên không thể nào đáp ứng đủ điều kiện để vay mới.
Ở góc độ khác, ông Võ Việt Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội lại cho rằng DN hiện nay rất cần tiền, nhưng không phải chỉ cho bằng cách vay vốn, thay vào đó, cần có những chính sách nhanh, nhưng phải khớp để tạo ra lòng tin cho DN, mà có lòng tin là có tất cả. “Các ngân hàng đều nói rằng đã có điều chỉnh giảm lãi suất từ 2% cho các DN, nhưng trên thực tế bản thân tôi mất gần 2 tuần để dẫn dụ các văn bản, ngân hàng mới giảm lãi suất xuống 0,5 điểm %” – ông Dũng nhận xét
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa ra đời năm 2017 với kỳ vọng giúp các DNNVV phát triển, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng của cộng đồng DN; trong đó “nút thắt” khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp vẫn chưa được tháo gỡ.
TS. Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM kiến nghị Chính phủ có thể cân nhắc một gói hỗ trợ lãi suất thấp để đồng hành vượt khó cùng các DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Giai đoạn 2008-2009 chịu tác động từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, chúng ta đã có gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm. Hiện lãi suất tại Việt Nam cao hơn rất nhiều so với lãi suất trong khu vực. Chính vì vậy Chính phủ nên xem xét đưa ra các gói cho vay với lãi suất thấp để hỗ trợ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, do các DNNVV có năng lực điều hành, quản trị rất thấp nên các ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn mà đòi hỏi phải có bảo lãnh tín dụng. Thực tế nhiều quốc gia đã tung ra các gói bảo lãnh tín dụng, có nơi lên tới 70% khoản vay. Điều Việt Nam nên làm lúc này là mở rộng quy mô các quỹ bảo lãnh tín dụng để quỹ hoạt động hiệu quả hơn. Không nên quá lo ngại về nguy cơ “vỡ quỹ” do DN sử dụng vốn vay không hiệu quả, vì DN nào cũng muốn làm ăn có lãi.
Bảo Nguyên