Doanh nghiệp kinh doanh karaoke cầu cứu, Thủ tướng chỉ đạo xử lý ngay vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy

Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của tập thể các doanh nghiệp kinh doanh karaoke tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước xoay quanh những bất cập liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi ba Bộ: Công an, Xây dựng, Văn hóa – Thể thao và Du lịch truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý theo thẩm quyền kiến nghị của doanh nghiệp karaoke về công tác PCCC.

Trên đường Trần Não (TP Thủ Đức), một cơ sở karaoke Icool tại TP HCM đóng cửa tháng 3/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Cụ thể trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; các hộ kinh doanh karaoke tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước đã nêu ra hàng loạt bất cập của quy định PCCC khiến hàng chục nghìn quán karaoke tại các tỉnh, thành phố rơi vào cảnh “án binh bất động”. Các hộ kinh doanh karaoke này bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ hướng dẫn các quy chuẩn về phòng cháy mang tính tháo gỡ cho ngành nghề karaoke. Đối với các cơ sở đã chỉnh sửa theo yêu cầu của các đoàn kiểm tra, họ đề nghị cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra lại để được nghiệm thu và đi vào hoạt động, tránh gây lãng phí. Đồng thời các cơ quan chức năng cần đối thoại với tập thể cơ sở kinh doanh karaoke nhằm tìm kiếm các giải pháp khắc phục cũng như giải đáp thắc mắc của các cơ sở.

Được biết các cơ sở kinh doanh karaoke trên bị đình chỉ, dừng hoạt động do không đảm bảo an toàn về PCCC sau đợt kiểm tra theo Kế hoạch 513 của Bộ Công an (từ tháng 10/2022 đến nay). Các chủ hộ cho biết những cơ sở kinh doanh này đều đã hình thành trước khi Nghị định 136 năm 2020 của Chính phủ và Thông tư 147 của Bộ Công an có hiệu lực; đã được các cấp có thẩm quyền cấp đầy đủ giấy phép đảm bảo điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật, trong đó có cả các điều kiện về PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Tuy nhiên sau đợt kiểm tra của Bộ Công an thì tất cả cơ sở kinh doanh karaoke đều bị dừng hoạt động. Đoàn kiểm tra liên ngành của các tỉnh, thành phố; PC07 các tỉnh, thành phố; lực lượng cảnh sát PCCC các quận, huyện kết luận không bảo đảm an toàn PCCC.

Vấn đề ở đây là sau khi nhận biên bản kiểm tra, các doanh nghiệp lại không biết phải đáp ứng yêu cầu phòng cháy của cơ quan chức năng như thế nào. Các hướng dẫn theo quy định mới không mang tính chất khắc phục mà lại theo hướng “đập đi xây lại” gây bức xúc và khó khăn cho các cơ sở. Thậm chí có trường hợp nhiều nơi đã sửa chữa lại theo yêu cầu đoàn kiểm tra song vẫn chưa được đưa vào hoạt động.

Sau vụ cháy karake An Phú (Bình Dương) khiến 32 người thiệt mạng hồi tháng 9/2022, Bộ Công an đã kiểm tra tổng thể các cơ sở kinh doanh karaoke. Theo một lãnh đạo Cục Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ (Bộ Công an), đơn vị đã siết lại việc kiểm định PCCC tại karaoke trên cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Trong đó có nhiều trường hợp quán đã sửa chữa nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ tiêu chí hoặc do kết cấu xây dựng ban đầu khó thay đổi nên chưa được xét duyệt.

Thống kê cho thấy những năm qua cả nước có khoảng 20.000 cơ sở kinh doanh karaoke được cấp phép hoạt động. Để đầu tư các cơ sở này, ước tính các doanh nghiệp đã bỏ ra khoản đầu tư rất lớn lên đến 75.000 tỷ đồng.

Trước kiến nghị của tập thể các doanh nghiệp kinh doanh karaoke tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, Thủ tướng đã yêu cầu ba Bộ: Công an, Xây dựng, Văn hóa – Thể thao và Du lịch nhanh chóng vào cuộc xử lý vướng mắc của doanh nghiệp về công tác PCCC.

Thành Quốc