Doanh nghiệp “khát” gói vay lãi suất thấp để hồi phục sức khoẻ sau đại dịch
Đây là thông tin được ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Tp.Hà Nội chia sẻ với truyền thông tại cuộc họp về Lễ tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân Thăng Long 2021
Trước đó tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các bộ, ngành tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình khôi phục kinh tế tổng thể với gói kích thích kinh tế được các chuyên gia dự báo có thể lên tới 800.000 tỷ đồng (tương đương 35 tỷ USD, khoảng 10% GDP). Tuy nhiên điều doanh nghiệp quan tâm lúc này là được nhận tiền tươi để tái khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất.
Xoay quanh chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi sau những tổn hại từ đại dịch, ông Mạc Quốc Anh cho rằng Chính phủ nên dành ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi đối tượng doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với trên 97%. Đơn cử tại Hà Nội, trong số hơn 318.000 doanh nghiệp thì có đến 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức chống chọi với các biến động kinh tế là vô cùng yếu ớt. Đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến kéo dài đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào bước đường cùng, buộc phải giải thể hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh. Điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là một “chiếc phao cứu sinh” đúng nghĩa, ở đây là chính sách miễn thuế, phí thay vì chính sách giãn, hoãn trước đây.
Về lãi suất, các doanh nghiệp đang mong mỏi một gói kích cầu tổng thể, trong đó có gói vay lãi suất rẻ hơn hiện tại (6-8%/năm) từ 3-4% để giúp họ có vốn đầu tư hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch. “Với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng thì vốn, dòng tiền được ví như “mạch máu” của họ, chính vì vậy tất cả đều mong muốn sắp tới đây sẽ được vay với mức lãi suất rẻ hơn để có thêm nguồn tiền phục hồi hoạt động” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Tp.Hà Nội nhấn mạnh.
Còn theo ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, dòng tiền chính là luồng ôxy mới kích thích, hồi phục sức khoẻ doanh nghiệp. Trong 2 năm dịch bệnh hoành hành, nguồn lực của các doanh nghiệp gần như cạn kiệt, chính vì vậy họ rất cần sự trợ lực là nguồn vốn vay với lãi suất rẻ hơn từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phát triển thì người dân mới có việc làm, thu nhập ổn định, nền kinh tế mới có cơ hội phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Trước đó trong các cuộc thảo luận về chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế tổng thể, các chuyên gia cũng lưu ý bên cạnh mức lãi suất hợp lý thì quy trình, thủ tục các gói vay hỗ trợ cũng cần đơn giản hóa tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh cho rằng các điều kiện cho vay cần giảm thiểu ở mức tối đa để doanh nghiệp có thể tiếp cận. Hai năm dịch bệnh hoành hành là chừng đó thời gian các doanh nghiệp vắt kiệt sức mình để chống chọi với dịch. Chính vì vậy sẽ rất khó để các doanh nghiệp vay được vốn nếu quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, nhất là điều kiện cho vay quá khắt khe (phải có tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi, không bị nợ xấu…)
Về phía các doanh nghiệp, trong lúc chờ đợi các quyết sách hỗ trợ từ phía Chính phủ thì để có thể tồn tại sau dịch, bản thân họ cũng đã có những cải cách, chuyển đổi nhằm thích ứng với tình hình mới như: cơ cấu lại ngành nghề, cơ cấu lại đầu tư…
Thế Anh