Doanh nghiệp da giày Việt và hành trình lấy lại “sân nhà”

Con số sản phẩm giày nhập ngoại chiếm tới 60% thị phần trong nước cũng phần nào cho thấy doanh nghiệp ngành da giày đang bỏ ngỏ thị trường nội địa vốn dĩ rất giàu tiềm năng khai phá. Đây quả thực là một sự phí phạm rất lớn…

Đánh mất niềm tin của người tiêu dùng

Thống kê của Hiệp hội Da giày&Túi xách Việt Nam cho thấy với dân số 94 triệu người thì nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa đối với mặt hàng giày dép vào khoảng190 triệu đôi/năm. Tuy nhiên điều đáng nói là hiện nay thị trường tiềm năng này đang bị hàng nước ngoài chiếm lĩnh, chủ yếu là sản phẩm của Trung Quốc. Trong khi đó với khoảng 8% sản lượng – tức là khoảng 90 triệu đôi giày/dép tiêu thụ nội địa, ngành da giày nội địa mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Sản phẩm giày dép “Made in Vietnam” tiêu thụ trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc thấp, trung cấp phục vụ cho vùng nông thôn và phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt với hàng Trung Quốc. Theo ước tính, năm 2017 Việt Nam nhập khẩu khoảng 85 triệu đôi giày dép các loại với trị giá gần 500 triệu USD, trong đó nhập từ Trung Quốc tới 96% về số lượng, khoảng 87% về giá trị.

Sản xuất theo thị hiếu sẽ giúp doanh nghiệp da giày dễ tiếp cận khách hàng

Mặt khác sản phẩm của các doanh nghiệp ngay khi rời xưởng ra thị trường nội đã phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng; vì vậy những doanh nghiệp có quy mô lớn thường chọn giải pháp an toàn tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, còn sản xuất hàng tiêu thụ nội địa chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù vài năm gần đây cũng có một số doanh nghiệp nội địa tập trung vào sản xuất các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp song số lượng ít và hiện vẫn bị các thương hiệu lớn trên thế giới lấn lướt.

Lý giải về sự lép vế của doanh nghiệp da giày nội địa ngay tại “sân nhà”, Bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng thư ký Hiệp hội Da giày&Túi xách Việt Nam cho biết trong thời gian dài, doanh nghiệp ngành da giày “làm ngơ” để tiểu thương buôn bán nhỏ thao túng thị trường mà hầu như chưa quan tâm đến vấn đề thiết kế, đa dạng hoá mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như xây dựng hệ thống phân phối trong nước một cách bài bản. Hậu quả nhãn tiền là người tiêu dùng dần mất niềm tin vào sản phẩm da giày nội địa và quay sang sử dụng các sản phẩm nhập ngoại.

Trong bối cảnh đó, bà Xuân khuyến nghị để phát triển thị trường da giày trong nước, các doanh nghiệp da giày cần mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị và tăng cường thiết kế mẫu, tạo ra nhiều sản phẩm hợp thời trang, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, các làng nghề da giày, chủ cơ sở sản xuất tư nhân cần chấm dứt làm hàng giả, hàng nhái và quan tâm xây dựng thương hiệu riêng, nhãn hiệu tập thể của làng nghề để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Gương sáng từ những thương hiệu truyền cảm hứng

Thực tế cho thấy những năm gần đây ngành da giày nội địa cũng đã xuất hiện nhiều thương hiệu uy tín, chất lượng và nhanh chóng dành trọn vẹn niềm tin của người tiêu dùng; điển hình như Công ty TNHH Giày Viễn Thịnh (VITCO). Ông Trần Thế Linh – Giám đốc VITCO cho biết trên cơ sở nắm bắt được nhu cầu của thị trường nội địa, doanh nghiệp liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm giày dép hợp thời trang, đảm bảo chất lượng với giá cả phù hợp. Nhằm đảm bảo quá trình sản xuất được vận hành hiệu quả, công ty đã đầu tư nhà máy rộng 4 ha với năng suất hơn 5 triệu đôi giày/năm đồng thời nhập khẩu máy móc, thiết bị chuyên dùng từ Italia, Đài Loan… Nhờ đó, sản phẩm giày dép mang thương hiệu VITCO, RICHEVER, HODONO… của Viễn Thịnh được tiêu thụ rộng rãi từ các tỉnh, thành phố lớn đến vùng nông thôn của Việt Nam. Chia sẻ bí quyết thành công, ông Linh cho hay thay vì mở các điểm bán lẻ, công ty tập trung thiết kế, nhập khẩu nguyên vật liệu chất lượng… đảm bảo độ bền cho sản phẩm. Sản phẩm được bán thông qua các cửa hàng, đại lý phân phối. Đây là bước đột phá của Viễn Thịnh, thay đổi định kiến của khách hàng “chuộng giày ngoại”.

Hay câu chuyện sáng tạo vượt khó của thương hiệu Việt Nam lâu đời Biti’s cũng rất đáng truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp da giày nội địa. Đã có một thời Biti’s “ngắc ngoải” bởi tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng nội địa cũng như chiến lược hoạt động không phù hợp. Tuy nhiên với chiến lược truyền thông khôn khéo, từ đầu năm 2016, sản phẩm sneaker của Biti’s – Biti’s Hunter – đã tạo được một lượng lớn thảo luận trên các phương tiện truyền thông (hơn 21.000 thảo luận), trong đó Facebook là nguồn chính của thảo luận nhờ vào hoạt động tích cực của Biti’s trên fanpage. Tuổi đời già cỗi của Biti’s đã hoàn toàn nhường chỗ cho một nguồn sinh lực mới. Biti’s đã sẵn sàng hội nhập và không chỉ được giới trẻ Việt đón nhận mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới

Thông qua những gương doanh nghiệp điển hình trên, có thể thấy một doanh nghiệp da giày muốn thành công tại thị trường nội địa trước hết phải có sản phẩm chất lượng, giá thành cạnh tranh, mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt. Tiếp đến phải nắm bắt xu hướng và có phương thức truyền thông thông minh giúp người tiêu dùng nhận diện được thương hiệu của mình, từ đó tăng độ phủ của thương hiệu tại nội địa.

Minh Đường