Doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng đi phù hợp để không “chết chìm” trong dịch bệnh

Bối cảnh dịch Covid – 19  hoành hành, nỗi lo về thị trường đầu ra luôn là lo lắng thường trực đối với doanh nghiệp trong nước. Trước tình hình này Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Bản thân các doanh nghiệp cũng đã chủ động tìm cho mình lối đi riêng phù hợp để không bị “chết chìm” trong dịch bệnh….

Tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản là yêu cầu cấp thiết hiện nay

Cụ thể  theo đại diện Công ty TNHH New Green Way Việt Nam (Hà Nội), thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đầu ra bị tắc nghẽn, sản lượng hàng xuất khẩu của New Green Way Việt Nam sụt giảm tới 70% so với bình thường.

Cùng với mảng xuất khẩu, mảng kinh doanh bán lẻ nội địa cũng không mấy khả quan với sản lượng giảm khoảng 60%. Kết thúc quý I/2020, Công ty mới hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu. Đại diện Công ty TNHH New Green Way Việt Nam cho biết hiện đơn vị buộc phải giảm lương nhân viên bằng việc đi làm ít giờ, nghỉ luân phiên, thậm chí lãnh đạo chỉ nhận 50% lương.

Cùng cảnh ngộ với New Green Way Việt Nam, thời điểm dịch bệnh này nhiều doanh nghiệp cũng buộc phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn. Theo ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, các chính sách miễn giảm thuế phí, hạ lãi suất cho vay… của Chính phủ đã kịp thời giúp doanh nghiệp giảm tải áp lực khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ; tuy nhiên do khâu tiêu thụ gặp khó khăn nên doanh nghiệp chưa nghĩ tới việc vay thêm vốn để phát triển sản xuất. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn có xu hướng thu hẹp các khoản đầu tư để bảo toàn vốn. “Giai đoạn khó khăn hiện nay, điều cần thiết hơn cả là các ngân hàng nên giãn các khoản vay đến hạn, không đưa vào diện cảnh báo rủi ro. Về phía Chính phủ cũng cần có chính sách nới lỏng thời gian phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội… để doanh nghiệp tự cơ cấu vốn” – đại diện Công ty TNHH New Green Way Việt Nam kiến nghị.

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang – ông Nguyễn Văn Phương cho biết trên cơ sở dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ còn kéo dài gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản tại địa phương, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã đề xuất Bộ Công Thương tạo điều kiện thuận lợi để kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, nhất là các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của Bắc Giang như sản phẩm vải thiều khi mùa vải sắp tới.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết cơ quan này sẽ phối hợp với Sở Công Thương, UBND các tỉnh, nhất là các địa phương có những vùng trồng lớn như vải thiều hay dưa hấu, thanh long… để đẩy mạnh khâu tiêu thụ trong nước và chế biến sâu góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. “Nếu có vướng mắc hay khó khăn, doanh nghiệp cũng như các địa phương hãy gửi phản hồi về Vụ Thị trường trong nước. Chúng tôi sẽ tổng hợp, kiến nghị lãnh đạo Bộ, Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp” – ông Hoàng Anh Tuấn khuyến nghị.

Bên cạnh sự sẻ chia, trợ lực hết mình của Chính phủ và các cơ quan chức năng, thiết nghĩ bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn thông qua tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tái cơ cấu thị trường, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm có giá trị kinh tế cao… Một khi doanh nghiệp chủ động thích ứng với rủi ro thì mức độ thiệt hại sẽ giảm thiểu đi rất nhiều và các chính sách hỗ trợ của nhà nước mới phát huy hiệu quả thiết thực.

Thiên Phú