Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM giám sát 3 vấn đề bức xúc ở Thủ Thiêm
Đa số đại biểu Quốc hội là người mới, chưa nắm các bức xúc của người dân về ranh quy hoạch dự án, chính sách tái định cư, chậm giải quyết khiếu nại.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê chiều 8/5 cho biết, theo chương trình làm việc, đoàn sẽ có buổi giám sát riêng về dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2), sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV tổ chức vào giữa năm nay.
Đoàn sẽ lấy ý kiến của các đại biểu về kế hoạch và nội dung giám sát cụ thể, sau đó tổng hợp để xin ý kiến Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Thiện Nhân.
Nội dung giám sát sẽ làm rõ tính pháp lý của dự án, từ Quyết định 367 của Thủ tướng dẫn đến các văn bản pháp lý để UBND thành phố triển khai những vấn đề liên quan dự án; việc giải tỏa đền bù; chuyện mời gọi đầu tư; phân khu chức năng của dự án… Bên cạnh đó, đoàn sẽ mời chuyên gia độc lập để đánh giá, giám sát dự án.
Đoàn cũng sẽ làm rõ trách nhiệm tiếp dân và giải quyết khiếu nại có hay không thực hiện đúng pháp luật, sau đó đề xuất với cơ quan, ban ngành liên quan.
Hàng trăm hộ dân khiếu kiện kéo dài liên quan đến dự án xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Ba vấn đề khiến người dân Thủ Thiêm bức xúc
Trong các đơn thư gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, có ba vấn đề người dân Thủ Thiêm muốn làm rõ.
Thứ nhất, người dân muốn biết giới hạn, phạm vi của dự án ở đâu (làm rõ ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm), vì có người nói rằng đất của họ ở ngoài ranh nhưng chính quyền lại cưỡng chế thu hồi.
Thứ hai, các chính sách đền bù, giải tỏa tái định cư còn nhiều bất cập, chưa lấy cuộc sống của dân làm tâm điểm giải quyết. Có những căn hộ chung cư tái định cư chất lượng chưa bảo đảm như: vào ở 2-3 tháng đã thấm dột, hệ thống tiêu thoát nước, an ninh trật tự không bảo đảm…
Thứ ba, những khiếu nại của người dân chậm được các cơ quan tiếp nhận, phản hồi. Thậm chí có những trường hợp đơn thư bị rơi vào khoảng không, kéo dài từ năm này qua năm khác không được trả lời, xử lý.
“Vì các điều này mà đơn khiếu nại dồn dập”, ông Khuê nói và cho rằng thực tế thành phố chưa có chương trình nào đánh giá những địa điểm, vị trí tái định cư đạt yêu cầu để từ đó rút ra, uốn nắn cho những dự án khác.
Đại biểu Quốc hội chưa biết rõ khiếu nại ở Thủ Thiêm
Về lý do người dân khiếu kiện hàng chục năm qua nhưng giờ Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố mới có kế hoạch giám sát, ông Khuê cho biết, 2/3 các đại biểu khóa này là người mới nên không biết nguồn gốc sự việc như thế nào. Vì vậy cần giám sát để nắm rõ.
“Có thể nói rằng những năm qua thành phố đã làm được rất nhiều việc, tạo ra bệ phóng cho thành phố như ngày hôm nay. Nhưng nhìn một cách công tâm cũng còn những thiếu sót, nhất là trong quá trình tổ chức thực hiện. Có những cán bộ chuyên môn không vững, hoặc có thể giải thích không tận tình, thiếu một cái tâm nghĩ đến đời sống nhân dân”, ông Khuê nhìn nhận.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM kỳ vọng kế hoạch giám sát sẽ tạo cho các đại biểu được tiếp cận một cách thấu đáo, đầy đủ sự việc. Qua đó có cơ sở giải thích với cử tri thật rõ, tạo sự đồng thuận. Giám sát cũng để xem xét việc xử lý tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đúng quy định chưa, để từ đó có những điều chỉnh.
Theo kế hoạch tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP HCM, chiều mai 9/5, tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 7, đứng đầu là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TP HCM) sẽ tiếp xúc với cử tri quận 2.
Tại buổi gặp này, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ đề nghị Thường trực UBND TP HCM, các sở Quy hoạch – Kiến trúc, Tài nguyên – Môi trường, Tư pháp, Chánh Thanh tra thành phố cùng dự để trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến dự án này.
Trung Sơn
Theo : vnexpress.net