Đổ gần 12.000 tỷ đồng “săn cổ phiếu” giữa lúc thị trường chứng khoán lao dốc

Chiều qua 11/6, các chỉ số bất ngờ lao dốc rất mạnh vào cuối phiên, cú lao dốc này tựa như một cơn lốc cuốn phăng tất cả hi vọng chốt lãi của rất nhiều nhà đầu tư khi cổ phiếu sụt điểm và chất lệnh giá sàn. Tuy nhiên, dòng tiền đổ vào “săn hàng rẻ” cũng cực mạnh.

Sắc đỏ giảm giá và sắc xanh xám giảm sàn bao trùm khắp thị trường. Thống kê cho thấy, trên cả 3 sàn có 554 mã giảm, 99 mã giảm sàn so với 218 mã tăng, 68 mã tăng trần.

Đóng cửa, VN-Index mất tới 32,63 điểm tương ứng 3,63% còn 867,37 điểm; HNX-Index cũng giảm 4,62 điểm tương ứng 3,83% còn 116,06 điểm; UPCoM-Index giảm 1,36 điểm tương ứng 2,38% còn 55,94 điểm.

Tuy nhiên, thanh khoản lại được đẩy lên cao với dòng tiền cực mạnh vẫn được đưa vào thị trường tìm mua cổ phiếu giảm giá.

Cụ thể, sàn HSX thu hút tới 9.997,9 tỷ đồng và có 707,45 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. HNX có 118,2 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.159,78 tỷ đồng và UPCoM có 53,83 triệu cổ phiếu tương ứng 509,93 tỷ đồng. Tổng cộng 11.667,61 tỷ đồng đã được giải ngân.

Ngoại trừ hai mã đứng giá tham chiếu, hầu hết cổ phiếu trong rổ VN30-Index đều giảm và trong số 28 mã giảm đó có 10 mã giảm sàn. Những cổ phiếu giảm sàn có thể kể đến MWG, GAS, PNJ, MSN, PLX, BID, CTG, SSI, POW, trong đó nhiều mã vẫn còn dư bán sàn và trắng bên mua.

Việc những cổ phiếu vốn hoá lớn cũng bị bán mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chính. Trong mức giảm chung, thiệt hại do BID là 3,44 điểm, do GAS là 2,95 điểm, do VIC là 2,5 điểm; do CTG là 1,8 điểm và do VCB là 1,69 điểm.

Những mã khác cũng có kết quả tương tự: DBC, AST, HSG, HAG, AMD cũng giảm sàn. ITA bị điều chỉnh và lùi xuống mức giá 5.600 đồng, đánh mất chuỗi tăng trần ấn tượng đã thiết lập trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh tại một số mã rất lớn. ROS khớp hơn 43 triệu cổ phiếu, ITA khớp 39,7 triệu cổ phiếu, HPG khớp 22,87 triệu cổ phiếu, HSG khớp 21,5 triệu cổ phiếu. FLC, HAG, SHB, KBC đều khớp lệnh ở mức cao. Dù vậy, thanh khoản tốt không thể ngăn tình trạng giảm giá ở những mã này.

Đáng chú ý là trong phiên thị trường giao dịch tiêu cực như hôm qua thì khối nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng phiên thứ hai với hơn 258 tỷ đồng.

Riêng tại sàn HSX, khối ngoại mua ròng gần 260 tỷ đồng, tăng 38,8% so với phiên trước, tập trung tại VHM với giá trị mua ròng lên tới gần 196 tỷ đồng. Ngược lại, khối này bán ròng KBC với giá trị bán ròng 54 tỷ đồng, VRE, VJC, HBC cũng bị bán ra và giảm mạnh.

Việc thị trường lao dốc trong phiên chiều qua khá bất ngờ, và theo đó, giới phân tích cũng có những nhận định trái chiều. Theo VDSC, với lượng khớp lệnh kỷ lục từ lúc thị trường chứng khoán mở cửa đến nay, đồng thời các chỉ số chính đều giảm điểm mạnh cho thấy thị trường chứng khoán đã thoái trào sau đợt tăng mạnh mẽ vừa qua.

VDSC khuyến nghị các nhà đầu tư thận trọng trong thời điểm này và có thể thu hồi tiền mặt chờ đợi cơ hội mới của thị trường.

Trong khi đó, BSC thì cho rằng, thanh khoản thị trường tăng mạnh với phiên trước, biên độ giao dịch nới rộng và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy xu hướng chốt lãi tăng mạnh trong phiên.

Bên cạnh đó, việc FED dự đoán GDP nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ giảm 6,5% cùng với mối lo sợ sự trở lại của dịch bệnh Covid-19 đã khiến thị trường trong khu vực châu Á giảm điểm mạnh. Trên cơ sở đó, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ cũ 835-840 điểm nếu dòng tiền nội tệ không chảy vào thị trường. 

Thậm chí, Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ hồi phục nhẹ trong phiên giao dịch 12/6. Song, rủi ro ngắn hạn gia tăng mạnh, đặc biệt đà bán tháo đã diễn ra đồng loạt ở nhiều cổ phiếu điều này cho thấy đà giảm có thể sẽ còn tiếp diễn ở những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, các chỉ báo tâm lý nhanh chóng giảm mạnh cho thấy nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Mai Linh