Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần ổn định thị trường tiền tệ
Tại Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trước biến số kinh tế toàn cầu” diễn ra tại Hà Nội, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có bài tham luận chia sẻ cụ thể về nỗ lực điều hành CSTT từ đầu năm đến nay cũng như định hướng trong thời gian tới, đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với hàng loạt rủi ro, thách thức.
Cụ thể đại diện NHNN Việt Nam cho biết trong những tháng đầu năm 2023, NHNN tiếp tục điều hành CSTT theo hướng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
NHNN điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt nhằm ổn định thị trường tiền tệ. Theo đó, NHNN liên tục duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá (GTCG) với khối lượng, kỳ hạn phù hợp với mục tiêu điều hành CSTT, đảm bảo thanh khoản cho các TCTD luôn trong trạng thái dư thừa, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi trả, thanh toán của nền kinh tế. Từ ngày 10/3/2023, để thực hiện mục tiêu tăng cung tiền, giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tăng khối lượng và kéo dài kỳ hạn chào mua GTCG trên nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày để phát tín hiệu sẵn sàng cung ứng vốn cho thị trường tiền tệ.
Việc điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở và sẵn sàng cung ứng thanh khoản kết hợp với việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất chào mua GTCG từ mức 6,0%/năm xuống mức 5,5%/năm (từ ngày 15/3/2023) và giảm xuống mức 5,0%/năm (từ ngày 03/4/2023), vốn khả dụng của các TCTD được đảm bảo và thường trong tình trạng dư thừa.
Ngoài ra để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ phục hồi tăng trưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN cũng thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất. Nếu như 2 tháng đầu năm 2023, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành thì trong tháng 3 và tháng 4/2023, cơ quan này đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,3-1%/năm. Đồng thời NHNN cũng triển khai đồng bộ nhiều biện pháp (chỉ đạo các TCTD duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh…) để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ tại Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11.
Cùng với điều chỉnh giảm lãi suất, NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng đáp ứng vốn cho sản xuất kinh doanh và không chủ quan với rủi ro lạm phát. Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%, lạm phát khoảng 4,5% đã được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 vào khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
NHNN cũng tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, thực hiện can thiệp thị trường linh hoạt nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ. Theo đó từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối (trên 6 tỷ USD), đồng thời kết hợp với việc hủy thực hiện bán ngoại tệ theo các giao dịch kỳ hạn cho các TCTD với tổng giá trị lên đến 2,24 tỷ USD, từ đó đã góp phần đưa ra và để lại lưu thông một lượng lớn tiền VND tương ứng. Đối với các giao dịch TCTD mua ngoại tệ kỳ hạn với NHNN, NHNN và các TCTD cũng đã gia hạn các giao dịch này, qua đó NHNN không hút/trì hoãn việc hút VND từ lưu thông về. Các giải pháp trên đã góp phần quan trọng vào việc tạo thanh khoản dư thừa trên thị trường, từ đó bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ TCTD giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
Về định hướng điều hành CSTT trong thời gian tới, đại diện NHNN cho biết năm 2023 được dự báo là một năm nhiều thách thức với điều hành CSTT xuất phát từ những biến động của nền kinh tế toàn cầu cũng như trong nước. Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức thì công tác điều hành CSTT, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau.
Trên cơ sở nhận diện rõ những thách thức trên, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến vĩ mô, thị trường, các vụ việc liên quan đến khó khăn, đổ vỡ một số ngân hàng quốc tế, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ CSTT nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra. Theo đó NHNN sẽ tập trung triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống TCTD với chi phí hợp lý để chủ động, sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp thị trường khi cần thiết, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14-15% cả năm 2023; chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Mai An