Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Cần thêm 36 năm để thu hẹp khoảng cách giới
Một báo cáo mới từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính rằng việc đạt được bình đẳng giới trên toàn cầu sẽ mất gần 136 năm, tăng so với ước tính trước đó là gần 100 năm.
WEF đo lường sự bình đẳng giới theo bốn cách: tham gia kinh tế, giáo dục, y tế và nâng cao vị thế chính trị. Dữ liệu do tổ chức kiểm tra cho thấy khoảng cách về quyền lực chính trị đã mở rộng đáng kể kể từ báo cáo năm 2020, trong khi sự tham gia kinh tế chỉ được cải thiện một chút.
Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi viết trong báo cáo: “Chúng tôi hy vọng rằng báo cáo này sẽ là một lời kêu gọi hành động đối với các nhà lãnh đạo nhằm đưa bình đẳng giới vào làm mục tiêu trọng tâm trong các chính sách và thực tiễn để quản lý sự phục hồi sau đại dịch, vì lợi ích của nền kinh tế và xã hội của chúng ta”.
Nhóm ước tính rằng khoảng cách giới về kinh tế sẽ mất 268 năm nữa để thu hẹp. Dữ liệu đó chưa phản ánh đầy đủ tác động từ đại dịch, điều này có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
WEF cảnh báo: “Tiến bộ hướng tới bình đẳng giới đang bị đình trệ ở một số nền kinh tế và ngành công nghiệp lớn. Điều này một phần là do phụ nữ thường xuyên làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng đóng cửa kết hợp với áp lực bổ sung của việc chăm sóc tại nhà”.
Trong khi tỷ lệ phụ nữ trong số các chuyên gia có tay nghề cao đang tăng lên, thì chênh lệch trong thu nhập và số lượng phụ nữ ít ỏi ở các vị trí quản lý vẫn đặt ra nhiều vấn đề.
Phụ nữ mất việc làm với tỷ lệ cao hơn nam giới trong thời kỳ đại dịch và họ được tuyển dụng lại với tốc độ chậm hơn nam giới khi nền kinh tế phục hồi. Khi trường học và các cơ sở chăm sóc khác đóng cửa, phụ nữ phải đảm nhận việc chăm sóc trẻ em, nội trợ và chăm sóc người lớn tuổi. Điều đó làm tăng căng thẳng và ảnh hưởng đến năng suất của họ.
COVID-19 cũng đang đẩy nhanh việc áp dụng tự động hóa và số hóa. Phụ nữ không có nhiều sự tham gia trong các lĩnh vực này, như điện toán đám mây, kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo.
Khoảng cách giới tính nói chung ít nhất ở các nước Bắc Âu, với Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan. Mỹ đứng thứ 30 về bình đẳng giới.
Bảo Ngọc