“Điểm sáng” ngành thủy sản
Với những yếu tố thuận lợi từ dịch bệnh được kiểm soát; nhu cầu tiêu thụ và giá bán tăng; hoạt động xuất khẩu dần phục hồi; hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do EVFTA, UKVFTA…, từ đầu năm 2022 đến nay lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thủy sản đã có sự gia tăng đột biến…
Kết thúc quý I/2022, Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận mức lãi sau thuế tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 550 tỷ đồng và đây cũng là mức lãi quý cao nhất kể từ quý III/2018 đến nay. Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) cũng ghi nhận tin vui khi báo lãi tăng gấp 5,7 lần so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất trong một quý tính từ quý IV/2018 đến nay.
Tuy nhiên doanh nghiệp đón nhận tin vui lớn nhất phải kể đến Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (IDI) khi đơn vị này báo lãi sau thuế hơn 200 tỷ đồng ngay trong quý đầu năm, đạt mốc kỷ lục lợi nhuận quý cao nhất kể từ năm 2010.
Sản lượng và giá bán tăng đã giúp nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản lập mốc kỷ lục. Điển hình doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Công ty CP Vĩnh Hoàn đạt hơn 1.600 tỷ đồng, tăng hơn 126%; tiêu thụ thị trường nội địa cũng phục hồi tốt với doanh thu tháng 2 tăng đến 147%.
Bên cạnh đó một số doanh nghiệp cũng có lãi thêm từ việc cơ cấu hàng bán và doanh thu hoạt động tài chính. Đơn cử doanh thu hoạt động tài chính của Công ty CP Nam Việt (NAV) tăng hơn 50% nhờ lãi suất tiền gửi ngân hàng và chênh lệch tỷ giá phát sinh. Đặt trong bối cảnh giá nguyên liệu và chi phí logistics tăng cao cũng đã giúp Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC) thu lãi tăng trưởng nhờ dự trữ trước nguyên liệu và ký hợp đồng có dự tính biến động giá cước tàu.
Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 3/2022 xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 920 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong quý I/2022 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong quý đầu năm, giá bán bình quân FOB (free on board – giá tại cửa khẩu bên nước của người bán) tại thị trường Mỹ đạt 4,4 USD/kg, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái; tại thị trường Trung Quốc đạt 2,5 USD/kg, tăng 40%. Giá bán cá tra bình quân ở Trung Quốc được dự báo phục hồi khi nền kinh tế nước này mở cửa trở lại; riêng giá cá tra phi lê tại Mỹ có thể duy trì ở mức 4,6 USD/kg hoặc cao hơn trong suốt cả năm.
Trong 3 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra đạt mức tăng trưởng cao. Báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự đoán trong năm 2022 xuất khẩu cá tra sẽ phục hồi mạnh do nhu cầu cá thịt trắng toàn cầu tăng, chấm dứt tình trạng tăng trưởng âm trước đây. Giá nguyên liệu tăng cũng sẽ đẩy giá bán tăng cao, ít nhất là đến hết quý II/2022. Ngoài ra thủy sản đánh bắt giảm do giá dầu tăng cũng góp phần đẩy nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng, chính vì vậy VDSC kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp cá tra sẽ tăng mạnh ba chữ số trên mức nền thấp so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên Chứng khoán Mirea Asset (MASVN) cảnh báo bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với không ít thách thức khi giá thức ăn thủy sản đang trên đà tăng từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4 năm nay. Cụ thể thức ăn chăn nuôi cá của C.P Việt Nam đã tăng 400 đồng/kg; thức ăn thủy sản của Ausfeed Bình Định cũng tăng 300-400 đồng/kg, còn thức ăn cho tôm thẻ tăng đến 2.000 đồng/kg.
Cùng chung mối lo, Chứng khoán An Bình (ABS) lưu ý bên cạnh sự tăng giá của thức ăn thủy sản, các doanh nghiệp cũng phải tính đến kịch bản chi phí vận chuyển tăng do chi phí logistics tăng, giá dầu tăng; ngoài ra còn phải kể đến áp lực cạnh tranh hết sức gay gắt từ các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…
Còn trên thị trường chứng khoán, đặt trong bối cảnh thị trường hết sức ảm đạm thì cổ phiếu ngành thủy sản lại có những diễn biến hết sức tích cực với phần lớn cổ phiếu đều có thị giá tăng mạnh so với hồi đầu năm; thậm chí nhiều cổ phiếu còn tăng trần liên tục. Trong đó cổ phiếu VHC tỏa sáng với thị giá tăng liên tục, hiện đạt 104.000 đồng/ cổ phiếu, tăng 55% so với hồi đầu năm; cổ phiếu ACL cũng có đợt tăng thị giá mạnh với nhiều phiên đạt trần.
Huy Hoàng