Điểm nghẽn trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ Latinh

Mặc dù là thị trường vô cùng tiềm năng với dân số lên đến 650 triệu người song nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn e dè trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ Latinh do những điểm nghẽn trong khâu vận chuyển hàng hóa

Khâu vận chuyển là thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu

Những năm gần đây quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh không ngừng được mở rộng, phát triển. Đến nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả 33 quốc gia trong khu vực này với tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 63 lần, từ 245 triệu USD năm 2000 lên 15,6 tỷ USD vào năm 2020, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 8,25 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,33 tỷ USD.

Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước Mỹ Latinh, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định, thoả thuận với một số nước trong Khu vực như Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Chile; FTA Việt Nam-Cuba; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có các 3 nước Mỹ Latinh gồm Chile, Peru, Mexico là thành viên.

Ngoài ra Chính phủ Việt Nam cùng với Chính phủ các nước thành viên của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) cũng đang tích cực xem xét khả năng thúc đẩy một Hiệp định ưu đãi thương mại; qua đó giúp các sản phẩm Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận khối thị trường rộng lớn với quy mô dân số hơn 360 triệu dân.

Tuy nhiên bên cạnh cơ hội rộng mở, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh vẫn phải đối mặt với không ít thách thức do: khoảng cách địa lý xa xôi; khác biệt về ngôn ngữ; thiếu thông tin về đất nước, con người, môi trường, cơ hội kinh doanh… Trong đó thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi xâm nhập vào thị trường này chính là điều kiện địa lý, vận chuyển hàng hóa khi hai bên chưa có tuyến vận tải hàng hóa, hành khách trực tiếp và điều này đã đẩy chi phí vận tải tăng cao, thời gian đi lại kéo dài…

Về vấn đề này, chuyên gia tư vấn logistics Đỗ Thị Đào cho biết thời gian qua sản lượng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ Latinh hãy còn khá khiêm tốn; khi sắp xếp lên tàu và máy bay hàng hóa Việt không được các nhà vận chuyển ưu tiên. Nếu như trước đây, thời gian vận chuyển hàng hóa sang thị trường Mỹ Latinh thường chỉ mất 30 ngày, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian giao hàng đã lên đến 50-60 ngày, dẫn đến tình trạng giao hàng muộn, giao hàng không kịp thời vụ Trong khi đó Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ Latinh hàng nông thủy sản – những mặt hàng vốn cần vận chuyển nhanh và sử dụng các container đặc biệt nên khâu vận chuyển hàng hóa thực sự là một điểm nghẽn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Chưa kể đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài đã tạo những áp lực không nhỏ lên ngành vận tải toàn cầu. Đặc thù của ngành logistics là khách hàng có thể tái sử dụng container nhập khẩu (trả rỗng) để tiếp tục mang đi xuất khẩu với sự phối hợp của hãng tàu. Tuy nhiên hiện nay nhiều container đã bị lưu lại Mỹ và châu Âu hoặc bị tắc tại cảng và đây là nguyên nhân đẩy chi phí logistics lên rất cao và làm chậm trễ thời gian giao hàng. Chính vì vậy thời gian vừa qua có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị phạt giao hàng muộn

Để chủ động hơn trong việc giao hàng, tránh bị phạt giao muộn, bà Đào khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chú trọng hơn tới kế hoạch sản xuất, giao hàng. Các doanh nghiệp cũng có thể chủ động làm việc và đặt chỗ trước với nhà vận tải chuyên nghiệp; đồng thời có các phương án dự phòng để tránh bị phạt. Thay vì sử dụng những tuyến đường biển truyền thống với cảng chuyển tải đã được chỉ định, các doanh nghiệp cần chủ động và linh hoạt hơn trong việc lựa chọn phương án vận chuyển.

Đối với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Mỹ Latinh, doanh nghiệp có thể sử dụng container của mình hoặc của hãng tàu và chuyển hàng đến các cảng chuyển tải như Hồng Kông bởi đây đều là những cảng vận chuyển hàng hóa sang khu vực Nam Mỹ thuận lợi, giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm đến 30% chi phí. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn phương án vận chuyển hàng hóa sang Mỹ và từ đó đưa hàng hóa qua biên giới để nhập khẩu vào Mexico, giúp tiết kiệm từ 15-20 ngày so với vận chuyển hàng hóa trực tiếp sang Mexico.

Bên cạnh điểm nghẽn logistics, bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ Latinh còn gặp khó khăn trong việc tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định CPTPP) do các quy tắc xuất xứ còn khá mới. “Nhằm tận dụng triệt để các ưu đãi mà FTA đã ký kết của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực, các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa tinh thần chủ động. Về phía Bộ Công Thương cùng các Bộ, ban ngành luôn song hành cùng doanh nghiệp giải quyết những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện xuất khẩu, kinh doanh thuận lợi…” – bà Trang nhấn mạnh.

Việt Hoàng