Điểm danh những chuỗi cà phê có doanh thu khủng nhất
Với 1.600 tỷ đồng doanh thu năm 2018, Highlands Coffee hiện đang giữ ngôi đầu, bỏ xa các đối thủ khác trong cuộc đua thị phần. Còn lại những cái tên như Starbucks, Coffee House, Phúc Long, Trung Nguyên vẫn đang quyết liệt tranh đua nhau…
Thị trường chuỗi cà phê tại Việt Nam bắt đầu bùng nổ khoảng 5 năm trở lại đây với sự góp mặt hết sức đa dạng, từ những thương hiệu lớn, có thâm niên như: Phúc Long, Highlands, Trung Nguyên cho đến những tên tuổi đi lên từ các startup như: Cộng Cà phê, The Coffee House; bên cạnh đó là sự du nhập của những “ông lớn” thế giới như Starbucks, PJ’s Coffee, Coffee Bean.
Theo số liệu của Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), những chuỗi cà phê đình đám nhất hiện nay đều tăng trưởng doanh thu hai con số trong năm 2018. Vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Highlands Coffee của Công ty CP Dịch vụ cà phê Cao Nguyên với doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng trong năm 2018 (tăng gần 31% so với năm 2017), bỏ xa các đối thủ phía khác. Thương hiệu này đi lên nhờ đánh vào tính bao phủ thay vì khẩu vị của khách hàng. Duy trì một thực đơn đồ uống đơn giản, dễ chọn nhưng Highlands len lỏi khắp các tòa nhà lớn và trung tâm thương mại, hiện diện ở những vị trí đắc địa. Cũng bởi chi phí đầu tư mặt bằng và quảng cáo ở mức cao nên chuỗi này mới thực sự có lợi nhuận hai năm gần đây, khi doanh thu vượt qua ngưỡng nghìn tỷ đồng.
Trong khi Highlands liên tục duy trì ngôi đầu thì những vị trí tiếp sau đang là cuộc chiến khốc liệt giữa những thương hiệu đình đám khác như: Phúc Long, The Coffee House, Starbuck hay Cộng. Trong đó bất ngờ lớn nhất năm 2018 là sự vươn lên của The Coffe House với tốc độ tăng trưởng gần 100%, nhanh chóng đánh bật Starbuck để chiếm giữ vị trí thứ hai về doanh thu. Cụ thể doanh thu năm 2018 của The Coffee House đạt 669 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu của Starbuck chỉ gần 600 tỷ đồng. Với con số doanh thu này, Starbucks bị đẩy xuống vị trí thứ ba.
Vị trí thứ tư thuộc về chuỗi cà phê – trà sữa Phúc Long với 473 tỷ đồng doanh thu, tăng 39% so với năm 2017. Tốc độ tăng doanh thu được nới rộng khi chuỗi này mở rộng mạng lưới, tiến công ra thị trường phía Bắc. Vị trà đậm, nhiều sắc ngọt đặc trưng của thị trường miền Nam trở thành nét đặc sắc của Phúc Long so với các thương hiệu ngoài Bắc. Minh chứng dễ thấy nhất là hàng dài người xếp hàng chờ mua trước quầy hay tình trạng quá tải trên những ứng dụng gọi đồ khi cửa hàng đầu tiên của Phúc Long được khai trương tại Hà Nội.
Vị trí thứ năm trên Bảng xếp hạng của VIRAC dành cho Trung Nguyên với doanh thu trên 350 tỷ đồng. Sau lần thay đổi nhận diện thương hiệu giữa năm 2018, chuỗi cà phê này dần tách ra khỏi cuộc đua thị phần và đi theo một ngách thị trường riêng biệt hơn. Với hướng đi này, Trung Nguyên sẽ có một thị trường riêng, một lượng khách hàng trung thành và sẽ không cần phải tiêu tốn quá nhiều tiền cho cuộc chiến tranh giành thị phần.
Khác biệt với những cái tên đã kể trên là Cộng – một trong những đối thủ đáng gờm ở thị trường phía Bắc. Do phát triển chính bằng hình thức nhượng quyền nên rất khó tính toán về quy mô doanh thu của Cộng; tuy nhiên theo chia sẻ của một nhà đầu tư vào chuỗi này, quy mô doanh thu theo tháng của mỗi cửa hàng có thể đạt vài tỷ đồng. Nếu tính chung cả hệ thống, doanh thu của Cộng được dự đoán sẽ không hề thua kém những chuỗi ở nhóm đầu như Starbucks hay The Coffee House.
Trân Nguyễn