Đến đầu năm 2021, giá gạo xuất khẩu ở châu Á vẫn sẽ duy trì ở mức cao

Sau thời gian “án binh bất động”, việc Bangladesh quay trở lại nhập khẩu gạo cộng với nhu cầu tăng nhập khẩu từ các quốc gia trong khu vực (Trung Quốc, Philippines…) khiến thị trường gạo châu Á dần trở nên sôi động. Dự báo từ nay tới đầu năm 2021, giá gạo xuất khẩu ở khu vực này vẫn sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể tăng thêm….

Dẫn đầu về giá hiện nay là gạo 5% tấm của Thái Lan với mức giá từ 485 – 516 USD/tấn (tuần trước giá 480 – 516 USD/tấn); ngay sau là gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 470 – 490 USD/tấn; gạo 5% tấm của Ấn Độ có giá 378 – 383 USD/tấn (tuần trước giá 375 – 381 USD/tấn).

Do nhu cầu trong nước tăng cao nên Trung Quốc và Philippines đang tích cực mua hàng. Đặc biệt sau 3 năm gián đoạn, Chính phủ Bangladesh đã mở lại gói thầu mua gạo. Về phía Brazil cũng giảm thuế nhập khẩu gạo về 0% để khuyến khích nhập khẩu ở thời điểm hiện tại. Đây chính là những yếu tố mang tính động lực góp phần thúc đẩy thị trường gạo châu Á sôi động trở lại

Cụ thể tại Trung Quốc, do giá gạo trong nước tăng mạnh (ảnh hưởng của dịch Covid-19; diễn biến thời tiết phức tạp), nguồn cung thiếu nên nhu cầu nhập khẩu gạo của quốc gia đông dân nhất thế giới cũng tăng cao. Ấn Độ cho biết các doanh nghiệp nước này đã ký hợp đồng xuất khẩu 100.000 tấn gạo tấm sang Trung Quốc với giá khoảng 300 USD/tấn, thời hạn giao hàng từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021.

Sở dĩ Trung Quốc phải vươn tới tận Ấn Độ để mua gạo là do nguồn cung của các nước láng giềng như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar….còn rất ít ỏi, hơn nữa giá xuất khẩu gạo của các quốc gia này cũng cao hơn nhiều so với gạo Ấn Độ. Ngoài ra khách hàng Trung Quốc cũng luôn đặt yếu tố giá cả liên hàng đầu; thay vì mua vào với giá quá cao, họ sẵn sàng chờ đợi cơ hội để được mua với giá hợp lý. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng cao được xem là cơ hội vàng cho Việt Nam, nhất là khi hai nước đang thiết lập một đường dây nóng để tạo thuận lợi thương mại cho các mặt hàng nông sản, trong đó có gạo.

Cùng với Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu gạo của Bangladesh cũng tăng đáng kể do người dân muốn mua lương thực để tích trữ. Sau 3 năm vắng bóng, ngày 16/11 Bangladesh đã mở phiên đấu thầu mua gạo đầu tiên; đợt thứ hai vào ngày 23/11 và mới đây nhất là đợt thứ 3, mỗi đợt chào mua 50.000 tấn. Do ảnh hưởng của thời tiết (lũ lụt, mưa quá nhiều) nên sản lượng lúa vụ Aman năm nay dự báo sẽ giảm 15%. Trong khi đó giá gạo trong nước vẫn đang tiếp tục tăng, gây khó khăn cho hoạt động thu mua lúa gạo trong dân của Chính phủ. Chính phủ Bangladesh có kế hoạch thu mua 1,95 triệu tấn gạo từ nông dân trong nước song tính đến thời điểm hiện tại họ chỉ mới thu mua được 1 triệu tấn.

Về phía Philippines, quốc gia này đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tự cung gạo lên 93%, tuy nhiên do ảnh hưởng của các cơn bão lớn (Molave, Goni, Vamco…) nên gần đây tỷ lệ này mới chỉ đạt khoảng 89-90%, tức là còn thiếu khoảng 10% mới đủ đáp ứng nhu cầu. Đầu tháng 11/2020, để đảm bảo đủ lượng dự trữ, Philippines đã quyết định tăng nhập khẩu gạo. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Philippines, hiện lượng gạo dự trữ trong kho chỉ đủ cho 88 ngày, tức là vào khoảng tháng 1/2021.

Còn tại Brazil, sản lượng gạo năm 2020 dự kiến sẽ giảm, buộc nước này phải xem xét việc hạn chế xuất khẩu để ưu tiên cho thị trường trong nước. Trước tình hình trên, nhằm ổn định thị trường gạo trong nước giữa bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, Chính phủ Brazil đã ra quyết định áp dụng mức thuế nhập khẩu bằng 0 đối với các nước hưởng lợi từ lúa gạo bên ngoài Mercosur cho đến ngày 31/12. Mức giảm được giới hạn trong hạn ngạch 400.000 tấn.

Thông tin từ Vụ Ngoại thương Thái Lan, các nhà xuất khẩu gạo của nước này sẽ hưởng lợi từ việc Chính phủ Brazil quyết định kể từ tháng 9/2020 giảm thuế nhập khẩu lúa gạo xuống 0%, áp dụng từ 11/9/2020 đến 31/12/2020. Từ trước tới nay Thái Lan đều phải trả thuế 12% đối với thóc gạo xuất khẩu sang Brazil. Trong tháng 9 và 10/2020, xuất khẩu gạo Thái Lan sang Brazil đạt 28.163 tấn – gấp nhiều lần mức 433 tấn của năm 2019, với trị giá 12,55 triệu USD.

Linh Lan