Đề xuất chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng cao đã tác động tiêu cực đến cộng đồng ngư dân ven biển và ngành khai thác thủy sản. Cụ thể có tới 50% tàu cá khai thác thủy sản tại các địa phương đã phải nằm bờ, ngừng hoạt động vì không “gánh” nổi giá xăng dầu…

Thống kê từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, trong đó tàu cá khai thác vùng ven bờ là 42.642 chiếc; tàu cá khai thác vùng lộng 18.683 chiếc; tàu cá khai thác vùng biển khơi (xa bờ) 30.391 chiếc. Mỗi năm khai thác thủy sản đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 600.000 ngư dân trực tiếp tham gia khai thác trên biển và gần 4 triệu lao động ngành dịch vụ thủy sản ven bờ.

Trong vòng 2 tháng trở lại đây, giá bán lẻ xăng trong nước đã 5 lần lập đỉnh. Gần đây nhất hôm 21/6, mỗi lít xăng RON 95-III tăng lên mức cao nhất lịch sử là 32.870 đồng và dầu diesel 0,005S-II là 30.010 đồng. Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu trong nước trải qua 16 đợt điều chỉnh, trong đó dầu diesel – nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản có 13 lần tăng giá, 3 lần giảm giá. Ở thời điểm hiện tại mỗi lít dầu diesel đã tăng thêm gần 11.800 đồng so với đầu năm.

Nếu xét trong cơ cấu chi phí đầu vào cho sản xuất của tàu cá khai thác thủy sản, có thể thấy nhiên liệu thường chiếm từ 45-60% tổng chi phí. Giá nhiên liệu tăng đã đẩy giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo từ 10 – 15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng mạnh từ 35 – 48%.

 Trong khi mọi chi phí đầu vào đều tăng mạnh thì giá bán hải sản lại tăng nhỏ giọt khiến bà con ngư dân không mấy mặn mà chuyện vươn khơi bám biển. Hậu quả là có tới 40-55% tàu cá ngừng hoạt động, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống của ngư dân mà còn gây tác động xấu lên chuỗi cung ứng sản xuất thủy sản trong nước và xuất khẩu; đồng thời ảnh hưởng tới việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia

Trước những khó khăn này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, đề nghị hai Bộ này kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá. Cụ thể, đối tượng hỗ trợ gồm các thuyền viên làm việc trên tàu cá đang phải tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt là 6 tháng. Mức hỗ trợ khoảng 3-4,4 triệu đồng/người tính theo mức lương tối thiểu theo vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ.

Đặt trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước liên tục lập đỉnh, đe doạ tới lạm phát và đời sống người dân, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500 đồng với dầu. Tuy nhiên đề xuất giảm thuế này của Bộ Tài chính bị các chuyên gia, doanh nghiệp chê ít; thậm chí họ cho rằng cơ quan quản lý đang đề xuất giảm thuế với xăng, dầu kiểu cho có.

Ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường, các chuyên gia khuyến nghị cơ quan quản lý cần tính toán cân đối giữa lợi ích nhà nước, quyền lợi người dân để từ đó đề xuất giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT) hay thuế nhập khẩu.

Là một trong hai cơ quan điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương khi trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh đặt trong trường hợp nhà điều hành sử dụng hết các công cụ bình ổn giá nhưng giá xăng dầu vẫn tăng thì có thể tính tới chuyện dùng các quỹ an sinh xã hội để hỗ trợ những người thu nhập thấp, yếu thế trước “bão giá” xăng dầu.

Huy Hoàng