Đề xuất cắt giảm thuế nhập khẩu, bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu
Đây là đề xuất được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra đặt trong bối cảnh với mỗi lít xăng hiện nay, người tiêu dùng phải “gánh” khoảng 9.500-10.000 đồng các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường. Nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức thì tỷ trọng thuế, các chi phí trong mỗi lít xăng khoảng gần 12.000 (chiếm hơn 35% giá bán lẻ).
Trong vòng 2 tháng trở lại đây, giá bán lẻ xăng trong nước liên tục lập đỉnh. Gần đây nhất hôm 21/6, xăng RON 95-III tăng lên mức cao nhất lịch sử là 32.870 đồng/lít. Sau 16 đợt điều chỉnh, trong đó có tới 12 lần tăng giá. Nếu so với hồi đầu năm thì hiện giá mỗi lít xăng RON 95-III đã tăng thêm 9.000 đồng; xăng E5 RON 92 tăng thêm 8.150 đồng; dầu diesel tăng thêm gần 11.800 đồng.
Có thể thấy cơ cấu giá một lít xăng bao gồm: giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%) + 10% thuế nhập khẩu + 10% thuế giá trị gia tăng + từ 1.900 – 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường. Điều này đồng nghĩa với bên cạnh giá nhập khẩu về cảng, ước tính tỷ trọng thuế trong cơ cấu tính giá xăng dầu chiếm khoảng 30%; chưa kể 4-5% các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển…
Một thực tế là trong cơ cấu tính thuế giá bán lẻ xăng dầu vẫn có hiện tượng tính thuế chồng thuế, đơn cử thuế VAT được đánh 10% trên giá bán ra, và cơ cấu giá bán đã gồm các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường. Thuế VAT = (giá CIF nhập khẩu + thuế nhập khẩu 10% + thuế tiêu thụ đặc biệt + thuế bảo vệ môi trường + chi phí định mức + lợi nhuận định mức) x 10%; tiếp đến giá để tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá CIF và thuế nhập khẩu. Trong khi đó vài kỳ điều hành gần đây quy định trích 300 đồng/lít xăng vào Quỹ bình ổn xăng dầu đã tạm ngừng nên trong cơ cấu tính thuế VAT hiện không gồm số tiền này.
Như vậy với mỗi lít xăng hiện nay, người tiêu dùng phải “gánh” khoảng 9.500-10.000 đồng các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường. Nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức thì tỷ trọng thuế, các chi phí trong mỗi lít xăng khoảng gần 12.000 (chiếm hơn 35% giá bán lẻ). Mặc dù kể từ ngày 1/4 đến hết năm nay, Thuế bảo vệ môi trường được giảm 50% (tương đương 1.900-2.000 đồng/lít xăng) song con số này vẫn không đáng kể, nhất là trong bối cảnh biến động giá thế giới vẫn đang trong quỹ đạo tăng mạnh.
Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ đánh giá tác động cụ thể để trình với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, 500 đồng với dầu. Tuy nhiên đề xuất giảm thuế này của Bộ Tài chính bị các chuyên gia chê ít, gọi nôm na là “giảm cho có”.
Theo ông Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng như “muối bỏ bể” so với biến động giá thế giới vẫn đang đi lên theo chiều thẳng đứng. Thay vì lần nào cũng đề xuất giảm thuế môi trường, các cơ quan quản lý nên tính toán giảm thêm các loại thuế khác vốn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá xăng dầu
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, VCCI cho rằng nên ưu tiên giảm thuế bảo vệ môi trường bởi chỉ cần quyết định dựa trên thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có thể thực hiện trong tháng 7/2022. Còn với thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm nay, gây ảnh hưởng đến các mục tiêu nêu trên. Tuy nhiên về lâu dài, Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
Về xác định thuế suất thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, VCCI chỉ rõ vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7/2022. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết; do đó VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ hơn phương án cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Về lâu dài, cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, sau khi đánh giá tác động kỹ việc này.
Không riêng Việt Nam, từ đầu năm đến nay nhiều nước trên thế giới cũng đang vật lộn với “cơn bão” tăng giá nhiên liệu và đã chọn phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu, thậm chí còn tính tới việc bỏ hẳn đánh thuế đối với mặt hàng xăng dầu trong bối cảnh lạm phát leo thang hiện nay.
Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đồng tình với đề xuất giảm các loại thuế khác thay vì thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhằm đem lại tác dụng rõ rệt hơn trước mục tiêu “kìm” đà tăng của giá nhiên liệu, tránh tác động domino tới giá hàng hoá trong nước và lạm phát. Cụ thể Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng trước sức tăng nóng giá xăng hiện nay, cần xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đầu tiên, sau đó mới đến các loại thuế khác.
Đồng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) Nguyễn Quốc Việt cho biết hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT đang áp dụng với mỗi lít xăng là 10%. Các cơ quan quản lý có thể cân nhắc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT với xăng trong ngắn hạn để hạ nhiệt giá xăng
Các chuyên gia khác cũng khuyến nghị cơ quan quản lý cần tính toán cân đối giữa lợi ích nhà nước, quyền lợi người dân để mạnh dạn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc VAT với xăng dầu trong 3 đến 6 tháng tới; sau thời gian này có thể đánh thuế trở lại như trước.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ngoài thuế bảo vệ môi trường có thể xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu; tuy nhiên cần phải tính toán thật kỹ lưỡng bởi không phải giảm nhiều là tốt mà còn dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực khác. “Chính phủ, liên Bộ đang làm quyết liệt và sẽ có đề xuất cấp có thẩm quyền trong thời gian nhanh nhất. Nếu hai biện pháp dùng Quỹ bình ổn xăng dầu, giảm thuế hết dư địa, thì có thể tính thêm dùng quỹ an sinh hỗ trợ người nghèo, thu nhập thấp” – ông Hải thông tin thêm
Thành An