Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu bền vững
Sáng 16/12, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Đây là hoạt động thường niên do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin giữa cơ quan điều phối và các chủ thể tham gia hoạt động xuất khẩu; nhận định các cơ hội, triển vọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; kênh đối thoại chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu hiệu quả, đổi mới hình thức triển khai hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu và khả năng chủ động của doanh nghiệp (DN) trong hoạt động xuất khẩu.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, khó lường, diễn đàn năm nay còn là dịp rà soát, phân tích những khó khăn cũng như thảo luận về phương hướng và các biện pháp hỗ trợ DN khôi phục, phát triển thị trường, góp phần phát triển xuất khẩu bền vững, tận dụng hiệu quả những ưu thế khi thực thi các hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, CPTPP, RCEP”.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, năm 2020 là một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế, nhưng hoạt động ngoại thương của Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng tự hào.
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính đến hết tháng 11 năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%. Trong 11 tháng năm 2020, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm trước đó; thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.
Đánh giá về thực trạng và hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) phát triển xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2019, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, chương trình cấp quốc gia về XTTM đã đạt được các kết quả tích cực. Hoạt động XTTM góp phần đáng kể cho tăng trưởng và mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động XTTM cũng bộc lộ nhiều hạn chế như chưa có nhiều hình thức XTTM hiện đại, đổi mới. Quy mô các hoạt động xúc tiến xuất khẩu còn nhỏ so với các nước trong khu vực.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 5-10% trong giai đoạn 2021-2025, góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các FTA khác, Bộ Công Thương khuyến nghị trọng tâm cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần tập trung ở các nhóm ngành hàng chủ lực gồm, nhóm nông sản thực phẩm như thủy sản, trái cây, chè, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su, gạo và ngóm công nghiệp chế biến như dệt may, da dày và túi xách, đồ gỗ… Đây là những ngành hàng có tiềm năng phát triển xuất khẩu bởi hầu hết mới chỉ khai thác được 40-60%.
Về thị trường trọng điểm, Việt Nam sẽ tập trung xúc tiến tại các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và thị trường các khối, nước đối tác mà ta đã ký kết hiệp định thương mại tự do như EU, Canada, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…, đồng thời khai thác các thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi…
Đổi mới, sáng tạo trong quảng bá sản phẩm
Chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, ông Ivo Sieber, Đại sứ Thuỵ Sỹ tại Việt Nam cho biết: Trong gần 50 năm hợp tác, cộng đồng các nhà đầu tư Thuỵ Sỹ là một trong những nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước vào năm 2019 đạt 2,2 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Thuỵ Sỹ đã nhiều hơn nhập khẩu. Những sản phẩm Thuỵ Sỹ nhập khẩu ở Việt Nam là những sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế tạo như điện và điện tử hay những thiết bị viễn thông.
Ông Ivo Sieber cho biết thêm: “Trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng thị trường sẽ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới. Cộng đồng các nước EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) cũng đang đàm phán hiệp định thương mại với Việt Nam. Khi hiệp định này được hoàn tất và ký kết sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp của khối EFTA sẽ được mở rộng trong việc giao thương thương mại. Chúng tôi hy vọng trong năm 2021, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thuỵ Sỹ, hiệp định này sẽ được ký kết”.
Trong năm tới, Thuỵ Sỹ sẽ bắt đầu một chương trình mới, hỗ trợ Việt Nam vào năm 2021-2024 và trong chương trình hợp tác kinh tế kỹ thuật, đồng thời hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp cận với các thị trường xuất khẩu. Và hiện nay, Thuỵ Sỹ có nhiều sáng kiến liên quan đến vấn đề xuất khẩu và phát triển bền vững như các chương trình xúc tiến xuất khẩu sang các thị trường như phát triển khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam và các dự án khác.
Chia sẻ về cơ hội hợp tác thông qua quảng bá hình ảnh, bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, để đạt hiệu quả quảng bá hình ảnh, các doanh nghiệp nên chọn đối tác quảng bá ngay tại bản địa của thị trường xuất khẩu để có thể tiếp cận tốt với văn hóa, ngôn ngữ địa phương. “Yếu tố quan trọng là sự đồng lòng của doanh nghiệp trong việc triển khai các chương trình quảng bá, bảo đảm liên tục, mới mẻ và hấp dẫn. Đồng thời, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị phát triển bền vững đáp ứng các tiêu chuẩn từ nuôi trồng đến chế biến… để đẩy mạnh xuất khẩu bền vững”, bà Tô Tường Lan nhấn mạnh.
Về bí quyết tạo thiết kế sản phẩm đồ gỗ ấn tượng, thúc đẩy xuất khẩu, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, doanh nghiệp ngành gỗ nên dựa vào điểm mạnh của mình để chọn hướng phát triển, sau đó tìm đối tác thiết kế phù hợp, có thể bắt đầu từ chính sự tinh xảo trong tay nghề của người thợ thủ công mỹ nghệ Việt Nam, đồng thời chọn nguyên liệu chất lượng và tìm đối tác phù hợp để kết nối, xuất khẩu…
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay: “Tới đây Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó và chủ động trước dịch COVID-19, nâng cao và nâng tầm hình ảnh sản phẩm, thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử, đặc biệt trong dịch COVID-19 vừa qua thương mại điện tử tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động hỗ trợ của Chính phủ định hướng, hướng dẫn đào tạo doanh nghiệp…”.
Linh Thu