Đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài
Trước đề nghị của rất nhiều doanh nghiệp tham dự Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương xoay quanh vấn đề giảm lãi suất ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã báo tin vui sắp tới đây NHNN sẽ tăng hạn mức tín dụng có thể cho các ngân hàng và điều chỉnh phù hợp lãi suất theo đúng cam kết; trong đó ưu tiên cho vay đối với các hợp tác xã để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Người đứng đầu NHNN Việt Nam cho biết với mục tiêu đồng hành vượt khó cùng cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua ngành Ngân hàng đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa, từng bước duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế. Tính đến ngày 21/9/2021, tín dụng ngân hàng đã tăng 7% so với cùng kỳ, hệ thống thanh toán ngân hàng tư nhân với các địa phương được thông suốt.
Về vấn đề giảm lãi suất cho vay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết xác định rõ một trong những nhu cầu lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là giảm lãi suất, ngành Ngân hàng đã triển khai 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất (tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành; giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Với nỗ lực của toàn ngành, đến nay mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch).
Bên cạnh việc kiềm chế và kiểm soát lạm phát, ngành Ngân hàng cũng đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 (quy định về việc tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) với một số điểm mới: cho phép tổ chức tín dụng tái cơ cấu với dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính (Thông tư 01 là trước 10/6/2020); kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 30/6/2022 (Thông tư 01 là từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021); cho phép tổ chức tín dụng miễn giảm phí cho khách hàng đến 30/6/2022, đồng thời được cơ cấu nợ cho cả số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 7/9/2021.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thực hiện các cam kết về lãi suất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng, cũng là an toàn cho cả nền kinh tế. Cụ thể NHNN sẽ tăng hạn mức tín dụng có thể cho các ngân hàng và điều chỉnh phù hợp lãi suất theo đúng cam kết; trong đó tập trung cho vay đối với các hợp tác xã. Thường xuyên rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, ưu tiên tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Đối với cho vay ngoại tệ, thời gian qua NHNN cũng đã có các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung trong việc giảm chi phí vay vốn; hướng dẫn tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. “Nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam, NHNN cũng đã bỏ quy định về giới hạn thời gian cho vay đối với nhu cầu vốn cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn hệ thống, các doanh nghiệp vẫn nên vay bằng VND” – Thống đốc NHNN khuyến nghị
Ngọc Ngà