Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, thời gian qua công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐKĐTKD) nói riêng được Bộ Công Thương quan tâm, đẩy mạnh.

Nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thông qua việc thúc đẩy cắt giảm các ĐKĐTKD không cần thiết, bất cập và trở ngại cho doanh nghiệp. Các hoạt động rà soát, cắt giảm thủ tục được Bộ tiến hành công khai, minh bạch, qua nhiều lần, nhiều tầng, nấc, không chạy theo thành tích, cắt giảm phải có cơ sở và không được buông lỏng, vẫn phải đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống, 5 năm qua việc thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa ĐKĐTKD của Bộ Công Thương được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, trở thành Bộ tiên phong trong công tác CCHC nói chung và cắt giảm, đơn giản hóa ĐKĐTKD nói riêng. Nếu như trước năm 2016, toàn ngành có khoảng 1.216 điều kiện kinh doanh  thì trong 2 năm 2017 – 2018, Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 675/1.216 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%); trong 2 năm tiếp theo 2019 – 2020 tiếp tục cắt giảm thêm 205 điều kiện kinh doanh. Trong số các ĐKĐTKD được cắt giảm, đơn giản hóa, nhiều điều kiện có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như trong lĩnh vực: điện, ôtô, xăng dầu, gas, an toàn thực phẩm…

Về định hướng CCHC nói chung – cắt giảm ĐKĐTKD nói riêng của Bộ Công Thương trong năm 2021 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Anh Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 và Chiến lược 10 năm 2021 – 2030 phát triển triển kinh tế – xã hội. Nền kinh tế đất nước tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng, có những chuyển biến tích cực nhưng song hành với yếu tố bất định hơn từ môi trường kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát và xây dựng lộ trình Phương án cắt giảm các quy định gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/2020/NQ-CP; tập trung xây dựng Phương án cắt giảm ĐKĐTKD, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành cho giai đoạn 2021-2025. Theo đó các nội dung cắt giảm sẽ được bám sát vào các nguyên tắc: “lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm; thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra Bộ sẽ thực hiện chủ trương cắt giảm, đơn giản hóa những quy định không cần thiết, không hợp lý trong các văn bản hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Bảo đảm tính công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; đồng thời xem xét đẩy mạnh việc phân cấp quản lý theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Để biến chủ trương thành hành động, ông Sơn cho biết giai đoạn 2021 – 2025 Bộ Công Thương sẽ triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể, tập trung vào: rà soát và xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ; thống kê, cập nhật dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến ĐKĐTKD thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Ngoài ra Bộ sẽ tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện các dữ liệu quy định liên quan đến ĐKĐTKD trên hệ thống phần mềm thống kê, rà soát của Chính phủ. Cập nhật bổ sung, hoàn thiện các dữ liệu quy định liên quan đến ĐKĐTKD khi có thay đổi. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. “Tuy nhiên để công tác này tiếp tục mang lại hiệu quả thực chất cho doanh nghiệp, chúng tôi cũng mong muốn các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp tăng cường thống kê, lượng hóa hiệu quả của việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh gửi về Bộ Công Thương để tổng hợp. Tiếp tục kiến nghị điều chỉnh chính sách, đặc biệt là các quy định gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch” – Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh.

Nhật Anh