Đánh thức giá trị của chỉ dẫn địa lý cho nông sản Việt

Tính đến thời điểm hiện nay, nước ta đã có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp được cấp chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Các nông sản được bảo hộ CDĐL đang chứng minh sự phát triển, nâng cao giá trị gia tăng của nền kinh tế nông nghiệp.

Tăng giá trị hàng hóa

CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang CDĐL được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa. Nói cách khác, phát triển CDĐL cho phép tạo ra lợi thế của sản phẩm nhờ những đặc trưng và sự nổi tiếng của sản phẩm đó mà các sản phẩm cùng loại khác nằm ngoài khu vực địa lý này không có được.  

Kể từ khi được cấp CDĐL, giá cam sành Hà Giang đã tăng thêm 20-25%

Nhận thức rõ vai trò cũng như tầm quan trọng của CDĐL đối với  giá trị sản phẩm, thời gian qua Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ trì, triển khai nhiều chương trình, dự án, các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, các hội, hiệp hội ngành nghề trong xây dựng và quản lý CDĐL; góp phần nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tổ chức sản xuất, thương mại sản phẩm mang CDĐL của các địa phương.

Tính đến tháng 6/2018, 60 CDĐL ở 39 tỉnh, thành phố đã được cập nhật, giới thiệu, bảo hộ, từng bước khẳng định vị trí trong hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm đặc sản ở các địa phương. Trong đó, có khoảng 50% sản phẩm là trái cây, 20% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp như: quế, hoa hồi, chè… còn lại là các sản phẩm thủy sản, gạo và một số thực phẩm khác. Mỗi một CDĐL sau khi được nhà nước bảo hộ, về cơ bản, các địa phương sẽ tổ chức quản lý trên cơ sở các chính sách và quy định theo từng sản phẩm, đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng và các quy định liên quan đến bao bì, nhãn mác, sử dụng…

Thực tế trong nước ghi nhận những sản vật địa phương được cấp CDĐL và được bảo hộ đều có giá trị gia tăng cao hơn, thể hiện qua giá bán tốt hơn so với trước đó góp phần mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người nông dân; điển hình như: Cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; Mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%, Nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%…Trước lợi ích đó, mới đây Bộ Khoa học&Công nghệ, Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cũng đã ký quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý. Đây thật sự là một tín hiệu tích cực, không chỉ góp phần đưa hoạt động này vào nề nếp mà còn giúp doanh nghiệp Việt nâng cao khả năng cạnh tranh với thế giới.

Gỡ “nút thắt”

Khẳng định việc thực hiện CDĐL sẽ nâng cao giá trị gia tăng cho nhà sản xuất, giúp doanh nghiệp và địa phương chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; đồng thời góp phần quảng bá đặc sản địa phương, thu hút du khách song bà Delphine Maria Vivian – chuyên gia của Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển – CIRAD (Pháp) cũng đồng thời nêu lên một thực tế rằng hiện nay tại Việt Nam, CDĐL vẫn chưa được sử dụng nhiều, việc khai thác thị trường thông qua CDĐL trong nước và nước ngoài ở Việt Nam còn hạn chế.

Nhiều năm tìm hiểu về CDĐL tại Việt Nam, bà Delphine Maria Vivian cho biết hiện có đến 50% CDĐL của nông sản Việt Nam chưa được quản lý, khai thác để tận dụng tăng giá trị sản phẩm. Ví như CDĐL quế Hưng Yên được nhà nước ủy quyền, giao cho hiệp hội ngành quế địa phương quản lý nhưng hiệp hội này chỉ họp đúng một lần vào ngày thành lập từ năm 2011 đến nay; hay trà Mộc Châu có hiệp hội quản lý nhưng không khai thác hiệu quả CDĐL do cả 10 thành viên đều là nhà chế biến, không có nông dân tham gia…Điều này dẫn đến tình trạng nhiều nhà sản xuất tại địa phương được bảo hộ nhưng không sử dụng logo CDĐL vì không biết mình có quyền. “Thiếu sự gắn kết giữa chủ sở hữu CDĐL với địa phương khiến cho nhiều sản vật không thể khẳng định được chỗ đứng trên thị trường” – bà Delphine Maria Vivian nhấn mạnh.

Hồng không hạt Na Khê – Yên Minh cũng tăng giá trị nhờ được cấp Chỉ dẫn địa lý

Còn theo  PGS-TS Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học&Công nghệ), sản phẩm có CDĐL giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường song “nút thắt” hiện nay là các chỉ dẫn của Việt Nam vẫn chưa được đánh giá đầy đủ về hiệu quả. Nếu các tỉnh đăng ký CDĐL xong, giao cho từng địa phương trong tỉnh nhưng lại để đó không đầu tư, khai thác thì CDĐL gần như không có giá trị.

Đồng tình với ý kiến của bà Delphine Maria Vivian và PGS-TS Phạm Xuân Đà, ông Đào Đức Huấn – Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và qhiến lược phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn cho biết mặc dù lợi ích từ CDĐL là rất lớn song để mở rộng tại Việt Nam là điều không dễ dàng; nhất là trong bối cảnh Việt Nam thiếu một khung thể chế chung ở cấp quốc gia về quản lý và phát triển CDĐL. Thêm vào đó, quá trình phát triển CDĐL còn phụ thuộc vào chính sự năng động và tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước. Riêng với các tổ chức, tập thể, việc thiếu các quy định về quyền và trách nhiệm trong các thể chế hiện hành đã khiến họ chưa thực sự chủ động và làm cầu nối để xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng theo chuỗi ngành hàng. “Để tháo gỡ những “nút thắt” này, nước ta cũng cần có các chính sách, chương trình quốc gia để quảng bá và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng đối với tất cả các sản phẩm CDĐL. Xa hơn, Việt Nam nên bảo hộ CDĐL của mình, không chỉ trong nước mà còn đăng ký tại những nước xuất khẩu chính và đẩy mạnh bảo hộ quốc tế về CDĐL ngay tại các cuộc thương thảo đang diễn ra tại WTO” – ông Huấn khuyến nghị.

Minh Đường