Đánh giá lại di sản của cựu Thủ tướng Đức Merkel

Với cuộc tấn công vô cớ của Vladimir Putin nhằm vào Ukraine, các nhà phân tích chính trị hiện đang đánh giá lại mối quan hệ lâu dài và phức tạp sâu sắc mà nhà lãnh đạo Nga có với cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, và làm thế nào mà Moscow lại gây ảnh hưởng lớn đến phần còn lại của châu Âu.

Cựu lãnh đạo Đức nổi tiếng là người biết nói tiếng Nga và duy trì quan hệ ngoại giao tốt với Putin. Cũng trong nhiệm kỳ của bà, Đức đã tăng cường liên kết năng lượng với Moscow và giữ chi tiêu quốc phòng ở mức tối thiểu.

Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hiện đã dẫn đến một sự thay đổi đáng kể trong chính trường Đức.

Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức, trao đổi với CNBC qua email: “Sự thay đổi chính sách mạnh mẽ của tân Thủ tướng Olaf Scholz là sự phủ nhận cơ bản chính sách kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Merkel. Chính sách kinh tế đối ngoại của Đức không còn dựa trên việc ‘Nga là một nhân tố định hướng ổn định’, mà thay vào đó là một cường quốc đế quốc hiếu chiến”.

Daniela Schwarzer, giám đốc điều hành phụ trách châu Âu và Á-Âu tại Tổ chức Hiệp hội Mở cho biết, “thất bại lớn” của bà Merkel là không thể đảo ngược các liên kết kinh tế và các dự án năng lượng sau khi Moscow sáp nhập Crimea bất hợp pháp vào năm 2014.

Trên thực tế, bà Merkel vẫn ủng hộ đường ống dẫn khí đốt, bất chấp những lo ngại từ Ukraine và các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ.

Alberto Alemanno, giáo sư luật EU tại H.E.C. Trường Kinh doanh Paris cho biết: “Không quốc gia nào khác lại coi nhẹ lập trường hung hăng của Nga đối với trật tự thế giới như nước Đức dưới thời Merkel. Chính dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là hình ảnh thu nhỏ cách tiếp cận xoa dịu của bà Merkel đối với Nga, đến mức ngày nay thể hiện tất cả những gì sai trái trong lập trường của Đức đối với Nga. Bằng cách thiết lập mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau không cần thiết với Vladimir Putin, nước Đức của Merkel đã khiến Putin trở nên mạnh mẽ hơn trong khi làm suy yếu toàn bộ châu Âu và NATO”.

Nhưng có một lĩnh vực mà di sản của bà Merkel vẫn còn nguyên vẹn: chào đón những người tị nạn. Bà Merkel sẽ luôn được nhắc nhở về lập trường của bà vào năm 2015 khi làn sóng người tị nạn ồ ạt đổ vào châu Âu, khi bà thực hiện chính sách mở cửa đối với những người chạy trốn khỏi chiến tranh từ các quốc gia như Syria. Bà Schwarzer khẳng định: “Lập trường rất rõ ràng và cởi mở của bà Merkel đối với người tị nạn Syria đã dẫn đến sự gắn kết xã hội mạnh mẽ ở Đức”.

Bảo Anh