Đánh bắt cá bất hợp pháp: Mối đe dọa lớn đối với nghề cá bền vững

Ngày 5/6, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế chống Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), một mối đe dọa chiếm tới 1/7 tổng sản lượng cá được bán ra trên thế giới.

Vera Agostini, Phó Giám đốc phụ trách Thủy sản và Nuôi trồng Thủy sản của FAO, cho biết: “Việc đảm bảo nghề cá bền vững là điều cần thiết cho cả thế hệ hiện tại và tương lai. Hoạt động IUU là một trong những mối đe dọa lớn nhất. Chúng ta có thể loại bỏ nó – chúng ta cần phải ghi nhớ điều đó”.

FAO đã tổ chức một hội thảo trực tuyến với các bài thuyết trình của các quan chức thủy sản cấp cao từ chính phủ Chile, Guinea và Sierra Leone, cũng như một cuộc thảo luận về các cơ hội đổi mới trong lĩnh vực thủy sản của Cán bộ Thủy sản FAO Alicia Mosteiro.

Đánh bắt cá IUU là một thuật ngữ rộng, bao gồm các hoạt động khác nhau với nhiều loại hình và quy mô trong nghề cá, cả trên biển và trong các khu vực thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia.

Hơn 3 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào cá để có nguồn protein động vật quan trọng, điều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nghề cá bền vững trong việc hỗ trợ an ninh lương thực toàn cầu. Số lượng cá bị khai thác không bền vững về mặt sinh học đã tăng gấp ba lần trong bốn thập kỷ qua và việc đánh bắt cá IUU làm suy yếu mục đích của các nỗ lực quản lý nhằm tăng cường tính bền vững cũng như đa dạng sinh học biển, đồng thời gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nghề cá vùng ven biển quy mô nhỏ vốn hỗ trợ trực tiếp sinh kế ở nhiều nước đang phát triển và các đảo quốc nhỏ đang phát triển.

FAO công bố những đánh giá cập nhật về xu hướng đánh bắt toàn cầu, bao gồm cả ước tính bền vững, vào ngày 8/6. Tình trạng khẩn cấp COVID-19 đã đặt ra những thách thức mới cho nghề cá – ảnh hưởng đến lao động và tiếp cận thị trường – bao gồm khả năng giám sát, kiểm soát và theo dõi các hoạt động đánh bắt cá.

Abdellah Srour, Thư ký điều hành, Tổng cục Thủy sản FAO ở Địa Trung Hải và Biển Đen, nói: Cần phải có sự cảnh giác cao độ. Ông nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người tiêu dùng.

Audun Lem, Phó Giám đốc Sở Thủy sản và Nuôi trồng Thủy sản FAO cho biết: Điều này cho thấy các hạn chế do đại dịch dây ra đã đẩy nhanh việc sử dụng các công cụ điện tử để giám sát đánh bắt cá bất hợp pháp.

FAO và hoạt động IUU

FAO rất tích cực trong việc thúc đẩy các sáng kiến ​​và ý chí chính trị cần thiết để dập tắt việc đánh bắt cá IUU, một nỗ lực được hỗ trợ bởi sự đồng thuận toàn cầu ngày càng tăng.

Dưới đây là các công cụ quốc tế được thiết lập để góp phần đạt được mục tiêu trọng tâm của Mục tiêu phát triển bền vững 14:

Thứ nhất là Hiệp định về các biện pháp của quốc gia có cảng (PSMA), một hiệp ước quốc tế, ngăn chặn các loại cá được đánh bắt trái phép xâm nhập thị trường quốc tế bằng cách trao quyền cho các cảng để tiến hành kiểm tra bất chấp tàu đó mang cờ nước nào. PSMA có hiệu lực vào ngày 5/6/2016, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Quốc tế cho Cuộc chiến chống IUU.

Thứ hai là Tài liệu quy trình đánh bắt (CDS) vốn cung cấp khả năng truy xuất nguồn gốc tốt hơn và hài hòa hơn về các loại cá dọc theo chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, quản lý nghề cá bền vững và thêm vào bộ công cụ chống lại việc đánh bắt IUU.

Thứ ba là Các hướng dẫn tự nguyện của FAO về đánh dấu ngư cụ vốn củng cố cách xác định ngư cụ, để né tránh việc che dấu bằng chứng về IUU cũng như để giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển.

Cuối cùng là Biên bản ghi nhớ toàn cầu về tàu đánh cá, tàu vận tải lạnh và tàu cung cấp nhằm mục đích cung cấp dữ liệu minh bạch, dễ tiếp cận và được chứng nhận khiến các tàu trong ngành thủy sản khó hoạt động bên ngoài luật pháp quốc gia, khu vực và quốc tế.

An Phước