Đăng ký nhãn hiệu thương mại tại Anh – Những vấn đề cần lưu ý

Từ vụ việc gạo ST24, ST25 của Việt Nam bị Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD đăng ký nhãn hiệu ở Australia, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp Việt cần đăng ký nhãn hiệu thương mại ở từng thị trường để bảo vệ tên của sản phẩm hoặc dịch vụ, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”…

Hiện nay tại thị trường Anh, gạo Việt Nam được bán với các thương hiệu như: Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood). Điều bất cập là thay vì mang thương hiệu của vùng trồng lúa, hay thương hiệu của nhà xuất khẩu thì hầu hết các loại gạo này lại mang thương hiệu của nhà phân phối

Trước thực tế trên, Thương vụ Việt Nam tại Anh đưa ra khuyến nghị ngành lúa gạo Việt Nam cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp với thị trường Anh cũng như các thị trường khác, có như vậy mới có thể tạo ra đột phá thị trường lớn hơn nữa cũng như tăng cường vị thế bền vững cho hạt gạo Việt Nam ở mỗi thị trường.

Thêm vào đó doanh nghiệp cũng cần phải nắm rõ thủ tục đăng ký nhãn hiệu thương mại ở từng thị trường để bảo vệ tên của sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. “Một khi doanh nghiệp đã đăng ký thương hiệu của mình, nếu bất kỳ ai sử dụng thương hiệu mà không có sự cho phép của chính doanh nghiệp thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện hành động pháp lý để chống lại, nhất là những đối tượng làm hàng giả hay hàng nhái. Ngoài ra, việc đặt biểu tượng ® bên cạnh thương hiệu chính là cách xác thực thương hiệu đó là của chính doanh nghiệp mình và cảnh báo người khác không nên sử dụng nó. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu thương mại tại Anh có thể gửi email tới uk@moit.gov.vn để được hỗ trợ” – ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ailen thông tin

Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, để đăng ký nhãn hiệu thương mại, doanh nghiệp cần kiểm tra xem thương hiệu có đủ điều kiện làm nhãn hiệu thương mại hay không (thương hiệu phải là duy nhất, bao gồm từ ngữ, âm thanh, biểu tượng, màu sắc, sự kết hợp của các yếu tố trên…). Đặc biệt, thương hiệu không được chứa nội dung xúc phạm, như chứa các từ chửi thề hoặc hình ảnh khiêu dâm; hay mô tả hàng hóa hoặc dịch vụ mà nó sẽ liên quan, như từ “cotton” không thể là nhãn hiệu thương mại cho một công ty dệt bông. Ngoài ra, doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu thương mại thì thương hiệu không được gây hiểu lầm, như sử dụng từ “hữu cơ” cho hàng hóa không phải là hữu cơ; là hình ảnh 3 chiều được kết hợp với nhãn hiệu thương mại của doanh nghiệp (ví dụ như hình quả trứng đối với trứng); hay thương hiệu quá phổ biến và không khác biệt, chẳng hạn như một câu nói đơn giản như “chúng tôi dẫn đường – we lead the way ” và trông quá giống với các biểu tượng quốc gia như cờ hoặc quốc huy theo các nguyên tắc của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Tham tán Nguyễn Cảnh Cường lưu ý trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu thương mại, doanh nghiệp phải tìm trong cơ sở dữ liệu nhãn hiệu xem đã có ai đăng ký nhãn hiệu giống hệt hoặc tương tự cho hàng hóa hoặc dịch vụ của họ giống hoặc tương tự sản phẩm của doanh nghiệp hay không. Cụ thể doanh nghiệp phải kiểm tra với Phòng đăng ký nhãn hiệu của Liên minh châu Âu trên trang web của Văn phòng Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu để biết xem có bất kỳ đơn đăng ký nào ở Liên minh châu Âu “đang chờ xử lý” vào ngày 1/1/2021 không vì những đơn đăng ký này luôn được ưu tiên hơn đơn đăng ký của doanh nghiệp nộp sau. Ngoài ra doanh nghiệp cũng có thể yêu cầu chủ sở hữu nhãn hiệu hiện có cho phép đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp. Họ phải cung cấp một “thư đồng ý”, sau đó doanh nghiệp phải gửi thư này cùng với đơn đăng ký của mình. Hoặc doanh nghiệp có thể sử dụng luật sư về nhãn hiệu thương mại để giúp xác minh các thông tin nêu trên và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Doanh nghiệp có thể tìm kiếm các nhãn hiệu thương mại tương tự với nhãn hiệu mình định đăng ký nhưng trong các lĩnh vực khác trên website: https://www.gov.uk/government/publications/searching-for-similar-trade-mark-goodsservices-in-other-classes/trade-mark-cross-search-list.

Trường hợp doanh nghiệp đã có các phiên bản tương tự của nhãn hiệu thương mại, doanh nghiệp có thể đăng ký hàng loạt cho tối đa 6 nhãn hiệu với điều kiện là tất cả các nhãn hiệu này phải nhìn giống nhau, âm thanh như nhau, có nội dung (ý nghĩa) giống nhau. Nếu có sự khác biệt thì phải là những khác biệt rất nhỏ.

Nếu muốn nộp đơn qua đường bưu điện, doanh nghiệp có thể đăng ký nhãn hiệu thương mại theo mẫu giấy (link https://www.gov.uk/government/publications/trade-mark-forms-and-fees/trade-mark-forms-and-fees) với tổng phí phải trả là 250 Bảng Anh; hoặc doanh nghiệp có thể đăng ký theo hình thức trực tuyến (link: https://trademarks.ipo.gov.uk/ipo-apply) với tổng chi phí 150 Bảng Anh. Nếu đăng ký hàng loạt cho 3 nhãn hiệu trở lên sẽ phải trả thêm 50 Bảng Anh cho mỗi nhãn hiệu. Trong vòng 12 tuần sau khi nộp đơn, doanh nghiệp sẽ nhận được phản hồi về đơn đăng ký của mình. Một điều cần lưu ý là sau khi đã đăng ký nhãn hiệu thương mại, doanh nghiệp không thể thay đổi thương hiệu của mình và phí đăng ký sẽ không được hoàn lại.

Sau khi thương hiệu được đăng ký, nếu có bất kỳ thay đổi nào về tên, địa chỉ hoặc địa chỉ email, doanh nghiệp phải cập nhật ngay. Nếu phát hiện nhãn hiệu của người khác giống hoặc tương tự với nhãn hiệu của mình, doanh nghiệp có thể phản đối. Ngoài ra doanh nghiệp có thể bán, tiếp thị, cấp phép và thế chấp nhãn hiệu thương mại của mình. Thương hiệu của doanh nghiệp sẽ tồn tại trong 10 năm, sau đó có thể gia hạn thêm.

Ngay cả khi chưa đăng ký nhãn hiệu riêng, các doanh nghiệp vẫn có thể ngăn hay phản đối người khác sử dụng một thương hiệu tương tự với nhãn hiệu của mình trên hàng hóa và dịch vụ của họ. “Tuy nhiên so với bảo vệ một nhãn hiệu đã đăng ký, việc bảo vệ một nhãn hiệu chưa đăng ký khó hơn rất nhiều. Nếu rơi vào trường hợp như vậy, doanh nghiệp cần nhờ đến sự tư vấn pháp lý từ phía luật sư thương hiệu. Để bảo vệ thành công một nhãn hiệu thương mại chưa đăng ký, doanh nghiệp cần chứng minh nhãn hiệu đó là của mình và bạn đã xây dựng được sự tín nhiệm của khách hàng gắn với nhãn hiệu. Đồng thời phải phân tích rõ sự tổn hại của doanh nghiệp từ việc người khác sử dụng nhãn hiệu của bạn” – Tham tán Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị

Nguyệt Anh