Đại học Fulbright gia nhập AmCham Việt Nam
Đại học Fulbright Việt Nam trở thành thành viên Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam). Trong nỗ lực gắn kết giáo dục với nhu cầu nhân lực trên thị trường, việc gia nhập AmCham Việt Nam giúp cho Fulbright thiết lập quan hệ với mạng lưới sâu rộng các tập đoàn, công ty hàng đầu của Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam cũng như trong khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink thăm Đại học Fulbright Việt Nam
Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) đại diện cho 3.000.000 doanh nghiệp, 2.800 phòng tiểu bang và địa phương, 830 hiệp hội doanh nghiệp và có 102 phòng thương mại đại diện ở 82 quốc gia. Tại Việt Nam, AmCham làm việc với 700 công ty và 1.500 đại diện thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ.
Trong nhiều cuộc gặp với Fulbright, Amcham Việt Nam cho biết, các công ty Mỹ trông đợi các bạn trẻ Việt Nam khi tốt nghiệp có khả năng tiếp tục học hỏi để thích ứng với những thay đổi không ngừng của môi trường làm việc.
Giám đốc Điều hành Amcham Việt Nam John Rockhold nhận xét, các cử nhân Việt Nam có kiến thức chuyên môn khá vững nhưng lại thiếu những kỹ năng mềm (social skills) giúp họ có thể tự học, tự thích ứng và biết cách giải quyết vấn đề, như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện,…- những kỹ năng then chốt giúp họ đi xa hơn trong sự nghiệp.
Những kì vọng của các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam về lực lượng lao động tương lai hoàn toàn phù hợp với mô hình giáo dục chú trọng vào năng lực (competencies-based) và trui rèn cho sinh viên khả năng thích ứng với thách thức thực tế (adaptive education) tại Fulbright.
Một câu hỏi truyền thống trong mỗi mùa tuyển sinh mà Đại học Fulbright Việt Nam nhận được từ Phụ huynh học sinh đó là “Con tôi ra trường có thể làm gì?”.
Chủ tịch Đại học Fulbright Đàm Bích Thuỷ cho biết, trong quá trình xây dựng chương trình đại học, Fulbright đã tham vấn các công ty tư vấn nhân sự hàng đầu của Mỹ, các công ty, tập đoàn hàng đầu của cả Mỹ và Việt Nam để hiểu rõ nhu cầu tuyển dụng nhân sự của thị trường.
“Đại học Fulbright không muốn xây dựng một chương trình đào tạo theo cách đóng cửa ngồi trong phòng và nghĩ xem dạy gì cho học sinh. Việc tham vấn các doanh nghiệp là cần thiết để Fulbright biết rõ cách đào tạo của mình có đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường không?
Chúng tôi luôn nói rõ với các em học sinh đó là nhà trường không đưa ra lời hứa nào đảm bảo “xin việc” cho các con khi ra trường bởi việc tìm kiếm một công việc cho cuộc đời mình phải xuất phát từ nhu cầu của các con.
Không gì tệ hơn là làm việc ở một nơi không xuất phát từ lựa chọn của mình.
Tuy nhiên, có một thứ chúng tôi hứa được với học sinh đó là Fulbright sẽ làm tất cả có thể để đào tạo cho các em những kỹ năng, chuẩn bị nền tảng tri thức phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của thị trường để các em cạnh tranh hiệu quả”, bà Đàm Bích Thuỷ cho biết.
Minh Đường